Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp khai thác cát vượt độ sâu gây sạt lở, ô nhiễm

05/11/2018 11:22

(TN&MT) - Việc khai thác cát của Công ty CP Vật liệu xây dựng 368 quá độ sâu cho phép, gây thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...

Đường sá lầy lội do xe tải “cày nát”
Đường sá lầy lội do xe tải “cày nát”

Thời gian gần đây, nhiều người dân sống tại thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) tỏ ra bức xúc và nhiều lần phản ánh với PV về việc các xe ben, xe tải lớn vào khai thác, chở cát ở khu vực Bãi Trằm gây ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp nghiêm trọng. Không những thế, việc khai thác cát của doanh nghiệp còn vượt quá độ sâu cho phép nhưng không có ai can thiệp.

Có mặt tại đường vào khu du lịch sinh thái Suối Voi (thôn Thủy Dương) cũng là con đường vào Bãi Trằm, PV nhận thấy nhiều xe tải liên tục ra vào, “quần thảo” tuyến đường khiến bụi bay mù mịt, nhiều đoạn xuất hiện “ổ gà” khiến giao thông đi lại khó khăn. Cát được chất cao trên xe rơi vãi xuống đường, theo gió bay vào nhà dân. Điều này cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch tại địa phương.

Cát được chất cao trên xe rơi vãi xuống đường
Cát được chất cao trên xe rơi vãi xuống đường

Trong khi đó tại hiện trường khai thác cát, xung quanh là ruộng vườn và nhiều diện tích keo tràm của dân đang sạt lở nặng; do thời gian khai thác đã lâu nên ở đây hình thành những hồ nước sâu hoắm, nham nhở... trên diện tích nhiều ha. Những hồ nước này không được rào chắn, hoặc chỉ được rào chắn sơ sài, không có biển cảnh báo, nên rất nguy hiểm cho người dân và vật nuôi khi đi qua đây.Việc múc cát vẫn còn diễn ra và nơi đây đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở...

Ngoài thực trạng đã nêu trên, một vấn đề quan trọng nữa đó chính là độ sâu khai thác mà doanh nghiệp thực hiện vượt độ sâu quy định trong giấy phép. 

Cụ thể, PV tìm hiểu và được biết rằng, việc khai thác cát tại khu vực Bãi Trằm do Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng 368 (Công ty 368) thực hiện. Vào năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế có văn bản số số 31/GP-UBND cấp phép cho Công ty 368 khai thác cát tại Bãi Trằm để làm vật liệu san lấp. Theo nội dung giấy phép, doanh nghiệp được khai thác cát trên diện tích 3ha, độ sâu so với bề mặt hiện trạng là 3 mét, trữ lượng khai thác là 65.000m3; việc khai thác phải bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường.

Những hố nguy hiểm, vượt độ sâu cho phép
Những hố nguy hiểm, vượt độ sâu cho phép

Theo người dân, cát khai thác tại khu vực Bãi Trằm là loại cát thường để phục vụ xây dựng, có giá trị cao. Nếu chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận biết so với quy định, Công ty 368 được khai thác với mức sâu là 3 mét thì tại hiện trường những hố nước rộng mênh mông và sâu kia cũng đã vượt mức cho phép.

“Họ múc đã hơn 5 mét. Vì mấy hôm nay do trời mưa làm nước đọng lại, nên bây giờ thấy vậy chứ khi mới múc xong là sâu lắm. Khi thấy đơn vị tiến hành căng dây sát đất vườn để mở rộng phạm vi khai thác thì gia đình tôi đã phản đối quyết liệt vì như thế sẽ làm sạt lở đất vườn nhà. Xung quanh không có rào chắn, điện đường không có trong khi mưa xuống thì tối om mà trẻ em ở đây cũng hay ra chơi nên chúng tôi cũng lo. Mong cơ quan chức năng sớm giải quyết cho bà con để yên ổn sinh sống...”, bà Lê Thị Mến (55 tuổi, thôn Thủy Dương) chia sẻ.

Việc khai thác cát đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, sạt lở ruộng vườn...
Việc khai thác cát đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, sạt lở ruộng vườn...

Cũng theo nhiều người dân thôn Thủy Dương, tại Bãi Trằm đã xảy ra việc một con nghé của người dân bị chết do rơi xuống hố sâu. Ngoài ra trước việc đời sống bị ảnh hưởng, đường sá xuống cấp; bà con nơi đây từng nhiều lần chặn xe chở cát của Công ty 368.

Ông Trương Hồng Kỹ- cán bộ địa chính xã Lộc Tiến cho hay, giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho Công ty 368 khai thác đến hết ngày 24/12/2018.Tại khu vực khai thác có hai hố sâu, UBND xã nhiều lần về kiểm tra và đã nhắc nhở công ty cắm các biển báo nhiều lần nhưng công ty không thực hiện.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Văn Tánh- Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Lộc cho biết, sau khi nhận được phản ánh thì phòng đã cho người về “mục sở thị”. Qua kiểm tra đo bằng thước dây thì có một số điểm vượt qua mức độ sâu cho phép theo giấy phép của UBND tỉnh. Khu khai thác này nằm trong địa bàn của khu kinh tế nên ảnh hưởng đến các khu du lịch Suối Voi, sắp tới phòng sẽ tham mưu cho huyện xử lý vấn đề này...

Bất chấp khai thác cát sai, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường...
Bất chấp khai thác cát sai, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường...

Cũng theo một cán bộ phòng TN&MT huyện Phú Lộc, doanh nghiệp đã kí quỹ bảo vệ môi trường với mức  hơn 200 triệu đồng. Nếu sau này doanh nghiệp hoàn thổ mặt bằng không đảm bảo, ảnh hưởng đến dân sinh của người dân thì chính quyền địa phương sẽ dùng số tiền này để thực hiện việc hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên qua ước tính thì số tiền trên chỉ mới đủ hoàn thổ khoảng 1/5 diện tích, đó là chưa nói đến kinh phí tu sửa đường sá hư hỏng do vận chuyển cát gây nên...

Người dân đã và đang đặt câu hỏi phải chăng các cơ quan chức năng đang “nhắm mắt” và buông lỏng trong công tác quản lý, để cho doanh nghiệp ngang nhiên thu lợi bất chính từ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trách nhiệm này thuộc về ai?.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp khai thác cát vượt độ sâu gây sạt lở, ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO