Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

01/08/2019 16:28

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xem đây như là một cuộc “cách mạng” trong đổi mới phong cách hành chính...

Thừa Thiên Huế đang phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Thừa Thiên Huế đang phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Bước đầu thành công

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh đã xây dựng và triển khai khung kiến trúc chính quyền điện tử Thừa Thiên Huế. Hình thành cơ bản các hệ thống hạ tầng thiết yếu cho hoạt động chính quyền điện tử như Trung tâm tích hợp dữ liệu, các phần mềm dùng chung, các hệ thống thông tin cơ bản phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước.

Đáng chú ý là hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được 4 cấp, trong đó có 3 cấp ở địa phương và liên thông với hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỉ lệ 95%... Hệ thống Cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt 54% ở cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia đang được phát triển và ngày càng nâng cấp hoàn thiện. Đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh gồm phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương, thẻ điện tử công chức - viên chức, giám sát dịch vụ hành chính công, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, giám sát an toàn thông tin, giám sát tàu cá.

Với những thành công bước đầu, Chỉ số phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh luôn nằm trong TOP dẫn đầu toàn quốc (năm 2017: xếp thứ 1, năm 2018: xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc). Đặc biệt, Dự án Trung tâm Điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Ban tổ chức Telecom Asia Awards 2019 trao giải thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
 

Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM Thừa Thiên Huế đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát
Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM Thừa Thiên Huế đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quan điểm của tỉnh ngay khi triển khai xây dựng CQĐT từ giai đoạn 2011-2015 trước hết xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng CQĐT là khâu đột phá, là thước đó năng lực điều hành, lãnh đạo. Thực hiện phương châm triển khai ứng dụng CNTT là từ đơn giản đến phức tạp, từ điểm đến diện, từ vận động khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc và trở thành nhu cầu không thể thiếu của cán bộ, công chức. Đi tắt đón đầu trong chọn giải pháp, mô hình, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có điều kiện trong triển khai ứng dụng CNTT khi điều kiện chưa có những giải pháp chung của quốc gia, điều kiện tài chính của tỉnh còn khó khăn.

“Ngoài các kinh nghiệm đã được đúc rút và được tiếp tục triển khai; việc xây dựng CQĐT tỉnh giai đoạn 2016- 2020 của tỉnh được định hướng theo 3 vấn đề. Thứ nhất là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT và quy hoạch tích hợp các hệ thống thông tin trên nền tảng kết nối, chia sẻ. Thứ hai, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Thứ ba tập trung nâng cao nhận thức người dân. Với các định hướng và phương châm hành động nêu trên, cùng với sự quyết tâm đổi mới và trách nhiệm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bước đầu đạt được thành công nhất định trong xây dựng CQĐT...”- ông Thọ chia sẻ.

Quyết tâm cao

Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vừa diễn ra, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện nhiều nội dung triển khai CQĐT chưa được như mong đợi, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn; còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CQĐT; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT nền tảng phục vụ phát triển CQĐT còn chậm, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT vẫn còn vướng mắc...

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, quyết tâm triển khai thành công chính phủ điện tử; ông Thọ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của khung kiến trúc CQĐT. Cần có chế tài đối với các cấp, các ngành không tuân thủ kiến trúc, qua đó nhấn mạnh vai trò kiểm thử hệ thống để đánh giá, công nhận đạt chuẩn trước khi đưa các hệ thống vào vận hành.

Một chính quyền điện tử toàn diện đang được Thừa Thiên Huế đẩy mạnh
Một chính quyền điện tử toàn diện đang được Thừa Thiên Huế xây dựng

“Hiện nay, việc liên thông vẫn không đạt kết quả, các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành Trung ương chậm chia sẻ, kết nối đã tác động rất lớn đến quá trình triển khai dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét chu đáo vấn đề này và đặc biệt cần đặt thời gian cho các Bộ, ngành Trung ương chuẩn hóa dữ liệu, quy trình và cung cấp thông tin chia sẻ kết nối với các hệ thống thông tin dịch vụ công địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu mã định danh để áp dụng thống nhất toàn quốc là vấn đề cấp bách. Hiện Bộ Công an đang triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, Bảo hiểm xã hội xây dựng thẻ điện tử vào năm 2020, trong đó cả 2 CSDL đều có mã định danh nhưng được tổ chức khác nhau, việc triển khai cũng khác nhau. Đề nghị Chính phủ xem xét quyết định lựa chọn 1 loại hình mã định danh để áp dụng thống nhất trên toàn quốc trong triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho phát triển CQĐT...”- ông Thọ nêu ý kiến.

Cũng theo ông Thọ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy cho doanh nghiệp, công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Rà soát để loại bỏ các quy định về hóa đơn giấy trong danh mục hồ sơ thủ tục hành chính. Đồng thời, cần xem xét việc đánh giá, ban hành các TTHC theo hướng giảm thiểu việc nộp hồ sơ giấy và nâng cao giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử để thay thế hồ sơ giấy.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa tổ chức thành công Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2019, thu hút các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành Chính phủ và các chuyên gia công nghệ, qua đó tìm giải pháp phát triển công nghệ thông tin toàn diện, thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý quốc gia...
Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ TT&TT- Nguyễn Văn Phương trong một lần công tác và làm việc với Thừa Thiên Huế giữa tháng 5/2019 vừa qua đã nhấn mạnh, những thế mạnh của Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực xây dựng CQĐT và ĐTTM là kinh nghiệm tốt cho các địa phương trong nước đến trao đổi, học tập để triển khai hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hy vọng, thời gian tới Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng CQĐT và ĐTTM...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO