Thừa Thiên Huế: Đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trong năm 2021

Văn Dinh| 06/01/2021 16:13

(TN&MT) - Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh gắn với bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm năm 2021 về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp nhằm tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nhằm phát triển đô thị, nông thôn theo hướng bền vững và từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT – KCN).

Theo đó, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển đô thị TP Huế mở rộng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hoàn thành việc xây dựng các Đề án: Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế, sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Đề án thành lập thị xã Phong Điền; Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

Đôn đốc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

Đối với nhiệm vụ giao thông, phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: Quốc lộ 49, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,... Tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm liên kết các vùng, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế xã hội: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; tuyến đường dọc sông Hương (phía Nam), Cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân; đường Đào Tấn nối dài; đường Phong Điền - Điền Lộc; đường Thủy Phù - Vinh Thanh; đường Phú Mỹ - Thuận An; đường Chợ Mai - Tân Mỹ,...

Khởi công các gói thầu xây lắp dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch: Hoàn thiện đường Tự Đức - Thuận An (đoạn từ xã Phú Mỹ đến Thuận An); đường kết nối đường phía Tây thành phố Huế đi điện Hòn Chén; nâng cấp, mở rộng tuyến đường tiếp cận điểm du lịch Thiền Viện Trúc Lâm - Bạch Mã; hỗ trợ triển khai dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airline).

Đối với nội dung cấp nước và xử lý nước thải, tập trung triển khai các dự án cấp nước sạch; nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 94%. Tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế. Ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các KCN. Sớm đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác ở Phú Sơn. Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại các bãi chôn lấp rác thải. Triển khai thí điểm phân loại rác tại hộ gia đình địa bàn TP Huế.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp

Về cấp điện, đảm bảo việc hỗ trợ cung cấp điện thi công đến hàng rào công trình theo quy hoạch. Về hạ tầng công nghệ thông tin, cần tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, tiến tới hình thành đô thị thông minh, thực hiện mục tiêu phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số... Chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp; hình hình các mạng lưới để người dân, doanh nghiệp tham gia và sử dụng thông qua Hue-S. Tập trung chuyển đổi số trong cơ quan hành chính nhà nước: Hoàn thiện tích hợp hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc với các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hoàn thiện liên thông Cổng dịch công từ cấp tỉnh đến cấp xã, chuyển đổi số tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa hiện đại cấp xã...

Đối với nội dung hạ tầng kỹ thuật khác, tiếp tục đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn ở các huyện. Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành dự án bãi chôn lấp rác Phú Sơn, dự án cải tạo bãi chôn lấp số 2 Thủy Phương. Đầu tư xây dựng Nghĩa trang nhân dân xã Phú Diên, Nghĩa trang nhân dân phía Nam mới (xã Thủy Phù, Hương Thuỷ) và Hạ tầng mở rộng nghĩa trang nhân dân Trường Đồng, thị trấn Lăng Cô (giai đoạn 1).

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn

Đối với nội dung hạ tầng KCN, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN: Ưu tiên đầu tư hạ tầng các KCN Phú Bài giai đoạn III, IV; hạ tầng khung Khu Công nghệ cao tại KKT Chân Mây - Lăng Cô; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Phong Điền, trong đó chú trọng xử lý nước thải tuần hoàn phục vụ công nghiệp hỗ trợ dệt nhuộm,…Hoàn thành tuyến đường phân luồng công nhân ra vào KCN Phú Bài, thị xã Hương thủy và tuyến đường trục chính trong KCN Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát. Kêu gọi đầu tư nhà ở, hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp.

Đối với nội dung KKT Chân Mây - Lăng Cô, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: đường trục chính Khu đô thị Chân Mây, khởi công Đường nối khu phi thuế quan với khu cảng Chân Mây. Tiếp tục kêu gọi đầu tư khu phi thuế quan, hạ tầng cảng và dịch vụ cảng Chân Mây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO