Thừa Thiên Huế: Công ty dệt may ô nhiễm, dân bất an

28/12/2018 12:54

(TN&MT) - Nhiều hộ dân đang sống tại khu quy hoạch Vịnh Mộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang tỏ ra lo lắng, bức xúc... về tình trạng một nhà máy dệt nhuộm trên địa bàn xả thải ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt.

Nhà máy Dệt nhuộm của Công ty Cổ phần Dệt may Huế đóng tại phường Thủy Dương đang khiến người dân bất an
Nhà máy Dệt nhuộm của Công ty Cổ phần Dệt may Huế đóng tại phường Thủy Dương đang khiến người dân bất an

Nhận được phản ánh của người dân khu quy hoạch Vịnh Mộc (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc nhà máy Dệt nhuộm của Công ty Cổ phần Dệt may Huế gây ô nhiễm trên địa bàn khiến người dân lo lắng, PV đã về tận nơi tìm hiểu.

Qua quan sát, nhà máy rộng và nằm rất sát khu dân cư. Từ sáng sớm, nhà máy dệt này đã chạy hết công suất, xả khỏi ra môi trường; cùng với đó là tiếng “gầm rú” của động cơ máy.

Khu quy hoạch Vịnh Mộc có gần 30 hộ dân đang sinh sống, tuy nhiên PV nhận thấy hầu như nhà nào cũng đóng kín cửa khiến nơi này bỗng vắng vẻ lạ kỳ, hỏi ra mới biết là do mùi hôi từ nhà máy dệt kể trên nên họ buộc phải làm như vậy. PV dù đã đứng cách xa nhà máy hàng chục mét vẫn cảm nhận được mùi hôi từ khói bụi phát ra rất khó chịu như mùi nhuộm tóc…

Bà Ngô Thị Lài (60 tuổi, kiệt 81 đường Võ Duy Ninh) cho hay, nhiều năm qua bà cùng gia đình phải hứng chịu sự ô nhiễm từ nhà máy thải ra.

“Khoảng 4h sáng là nó xả khói rồi, hôi lắm đến mức oái mửa. Đóng cửa vẫn còn hôi, ăn cơm cũng khó chịu. Hít chặp đổ bệnh mà chết thôi. Bữa nay, thấy nhà máy có làm bờ rào cao hơn nhưng vẫn không ăn thua. Còn lúc trước họ thải nước thải ra sông, nay đã làm các hồ chứa nhưng vẫn hôi…”- bà Lài vừa chỉ tay vào nhà máy vừa nói.

Bà Lài (ảnh) rất bức xúc vì nhà máy đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mình
Bà Lài (ảnh) rất bức xúc vì nhà máy đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mình

“Nhiều khi khói theo hướng gió vào nhà là quá hôi luôn. Chúng tôi sợ trẻ nhỏ nữa bởi nó hít vào là sẽ đổ bệnh nên hạn chế cho ra ngoài, mong cơ quan chức năng sớm di dời nhà máy này ra khỏi khu dân cư...”, một người dân khác chia sẻ.

Không chỉ vậy, hằng trăm cô trò tại trường tiểu học Thủy Dương cũng đang hứng chịu ô nhiễm khi nhà máy nằm đối diện trực tiếp với trường học.

“Trường của mình có hơn 500 em học sinh đang học. Trong tháng 11 và tháng 12 có ít nhất một tuần là hôi liên tiếp. Mỗi ngày hít thở khói bụi như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe các em”- cô Nguyễn Thị Sơn Thủy, Hiệu trưởng trường tiểu học Thủy Dương thông tin.

Qua tìm hiểu, nhà máy Dệt nhuộm của Công ty cổ phần Dệt may Huế đã đi vào hoạt động từ năm 1997. Tuy nhiên gần đây, nhà máy đã mở rộng và cho chạy thử khu xử lý nước thải công suất lớn nên mùi hôi bốc ra ngày càng nhiều hơn.

Tường rào được nhà máy dựng nên để giảm mùi hôi cho khu dân cư
Tường rào được nhà máy dựng nên để giảm mùi hôi cho khu dân cư

Người dân địa phương cũng cho rằng đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn “kêu cứu” lên chính quyền địa phương và phía doanh nghiệp với mong muốn có một môi trường sống trong lành hơn, nhưng vẫn chưa thấy khả quan.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may Huế thông tin, hiện công ty đã nâng cao ông khói và bờ tường bao bọc xung quanh để hạn chế ô nhiễm khói bụi đến người dân. Đối với mùi hôi trong quá trình xử lý nước thải, Công ty Dệt may Huế khẳng định, đây chỉ là mùi hôi phát sinh trong quá trình vận hành chạy thử khu xử lý nước thải công suất lớn vừa được đầu tư hơn 15 tỷ đồng, về lâu dài sau khi hệ thống hoàn thiện thì mùi hôi sẽ giảm đi đáng kể, đồng thời các tiêu chuẩn về chất lượng nước thải ra môi trường sẽ được đảm bảo đúng như quy định.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Ngô Viết Thuận- Chủ tịch UBND phường Thủy Dương cho biết, công ty trên đã tồn tại lâu và những gì mà người dân phản ánh là có cơ sở.

 “Nếu trong quá trình vận hành mà có vấn đề gì phát sinh, nhất là về môi trường thì địa phương sẽ thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng và lãnh đạo công ty để tìm giải pháp, không để ảnh hưởng đến khu dân cư…”- ông Thuận nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Công ty dệt may ô nhiễm, dân bất an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO