Vào Vụ Hè Thu năm nay, nhiều diện tích đất lúa bị thiếu nước tại một số địa phương ở Thừa Thiên Huế đã được người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn mang lại hiệu quả, giúp bà con cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tại vùng đất lúa khô hạn ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, bà con nông dân dã chuyển đổi sang trồng hoa màu các loại như lạc, rau muống, dưa hấu cho năng suất cao.
Nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế chuyển sang trồng lạc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Chuồng, xã Lộc Tiến cho biết, năm nay thiếu nước, gia đình bà có 5 sào đất đồng ruộng đã chuyển sang trồng rau muống và lạc, giúp bà có thu nhập hàng ngày.
Lãnh đạo xã Lộc Tiến cho hay: “Thực tế từ mỗi mùa vụ, người nông dân có nguồn thu nhập cao hơn so với trồng lúa nên đã tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích đất trồng lúa năng suất thấp ở xã Lộc Tiến là hơn 60 ha, nhưng trong ba năm qua người dân đã chuyển đổi hơn 55 ha trồng cây hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Hiện Thừa Thiên Huế có khoảng 3.300 ha đất trồng lúa phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác vì thiếu nguồn nước tưới. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển đổi khoảng 2000 ha diện tích đất lúa bị thiếu nước, kém năng suất sang các loại cây trồng chủ lực như lạc, ngô, dưa hấu, rau, đậu các loại.
Mặc dù việc thực hiện các mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng đã mang lại hiệu quả về kinh tế, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp.