Nhiều bãi cát “lậu”
Theo ghi nhận của PV vào đầu tháng 10 này, dọc bờ sông Hương đoạn đi qua xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã và đang tồn tại hàng loạt bãi tập kết cát trái phép. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng vẫn tỏ ra “bất lực”.
Từ phản ánh của người dân thôn Cư Chánh 2 (xã Thủy Bằng), PV nhanh chóng có măt tại hiện trường và nhận thấy, cạnh sông Hương và Bến Than thuộc thôn Cư Chánh hiện có 4 bãi tập kết cát cỡ lớn ngang nhiên hoạt động trái phép.
Hầu hết các bãi cát được tập kết ngổn ngang, bừa bãi, thậm chí không có tường rào bao quanh. Mỗi bãi được trang bị một máy xúc cỡ trung và những chiếc cẩu điện dài gần chục mét với hệ thống dây cáp và gàu múc vươn xuống những chiếc tàu. Trong khuôn viên tập kết từ vài trăm đến hàng nghìn khối cát, cứ bán hết cát trong bãi thì vài ngày sau cát được mua từ nhiều nơi lại được đổ đầy bãi...
“Những bãi cát này tồn tại nhiều năm nay nhưng không thấy dẹp bỏ, nhiều lần dân cũng thấy đoàn kiểm tra về nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Xe tải ra vào lấy cát cứ chạy ầm ầm bụi bay thì mù mịt, chẳng mấy chốc mà con đường thôn nát hết...”, một người dân cho hay.
Được biết mặc dù đã bị đình chỉ hoạt động nhiều lần nhưng các bãi cát trái phép trên vẫn ngang nhiên hoạt động.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng thừa nhận, trên địa bàn xã có 4 bãi tập kết cát trái phép hoạt động trên địa bàn từ rất lâu.
“Sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đa nhiều lần chỉ đạo cán bộ địa chính và công an vào cuộc xử lý và bắt được một số trường hợp vi phạm. Sau đó UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng mỗi trường hợp. Nhưng chính quyền xã chỉ biết xử phạt như thế chứ không có cách nào xử lý triệt để được vì vượt thẩm quyền cũng như các chủ bãi không tuân thủ quy định của pháp luật. Nhiều lần, xã cũng đã gửi công văn lên Sở TN&MT để giải quyết vấn đề này. Sở cũng đã cử đoàn thanh tra về đình chỉ, lập biên bản vụ việc nhưng vẫn không xử lý dứt điểm”- ông Nguyên nói.
Doanh nghiệp khai thác cát bất chấp “lệnh cấm”
Còn tại khu vực bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 6,3 ha cho các đơn vị gồm: Công ty CP TMDV Hồng Phát (2,07ha), Công ty CP Châu Thành Phát (2,1ha) và Công ty CP XD 939 (2,1 ha). Mục đích của dự án nhằm khai thác cát, sỏi để cung cấp nguyên liệu phục vụ xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh, kết hợp khơi thông dòng chảy.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên lại không tuân thủ quy định về độ sâu, khai thác ngoài phạm vi mỏ... gây nên nguy cơ sạt lở bờ sông Hương, ảnh hưởng môi trường, sản xuất nông nghiệp khiến người dân bức xúc. Vào tháng 9 vừa rồi, lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên Huế đã yêu cầu cả 3 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát ở khu vực trên tạm dừng hoạt động.
Thế nhưng, vào đầu tháng 10 này thì hàng loạt tàu cát vẫn xuất hiện sà lan để lén lút hút cát, tiếng máy nổ rền vang khắp sông Hương.
Ông Võ Đăng Thái- Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thông tin, vừa qua phường đã tăng cường lực lượng giám sát tại bãi bồi Lương Quán và phát hiện Công ty Châu Thành Phát cho 2 phương tiện lén lút ra giữa khu vực sông Hương tiến hành hút cát. Khi lực lượng chức năng của phường có mặt thì các tàu hút cát của đơn vị này án binh bất động. Đại diện doanh nghiệp này đưa ra lý do là đang bảo dưỡng máy hút.
“Phía phường không thể túc trực 24/24 được bởi cán bộ của phường còn phải giải quyết công việc hành chính cho người dân. Dù biết rõ doanh nghiệp vẫn lấy cát, bất chấp lệnh tạm dừng khai thác nhưng lực lượng mỏng, không có phương tiện giám sát, thiếu bằng chứng nên không đủ căn cứ để xử lý...”, ông Thái cho hay.
Ông Hồ Đắc Trường- Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho rằng, trong quá trình khai thác, do áp lực nên cả 3 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác ở khu vực bãi bồi Lương Quán đều có những vi phạm liên quan đến độ sâu cho phép. Cụ thể doanh nghiệp Hồng Phát thì diện tích, độ sâu đều đã hết và đã thông báo dừng khai thác để xử lý. Doanh nghiệp Châu Thành Phát liên quan đến vấn đề trên trong khai thác nhưng không hợp tác cũng đã tạm dừng để chờ xử lý. Doanh nghiệp 939 cũng vậy...
“Hiện Sở TN&MT đang hoàn thiện hồ sơ để đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm các doanh nghiệp này trong khung theo quy định từ 600 triệu -1 tỷ đồng (tùy mức độ vi phạm của từng doanh nghiệp) và sẽ thu hồi giấy phép khai thác...”- ông Trường nói.