Bồi lấp nặng nề
Những ngày cuối năm 2019 này, PV có dịp ghé lại vùng cửa biển Tư Hiền nằm giữa xã Lộc Bình và xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây được xem là nơi thông thương giữa biển với hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Suốt nhiều tiếng đồng hồ, khung cảnh mà chúng tôi bắt gặp được thật đáng buồn, không hề có một tàu thuyền nào đi ra đi vào cửa biển này. Cạnh đó, cảng cá Tư Hiền có nhiều phương tiện neo đậu suốt một thời gian dài. Bởi vì sao, vì cửa biển bị bồi lấp ngày một nặng hơn...
Cửa biển Tư Hiền đang bị bồi lấp ngày một lớn hơn |
Qua tìm hiểu, từ năm 2013, Bộ Xây dựng đã cho Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản 55 được phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét cửa biển này. Thế nhưng, tiến độ dự án không những chậm mà còn làm thất thoát hàng trăm ngàn khối cát; còn cửa biển Tư Hiền vẫn bị bồi lấp, nhiều ngư dân “than trời” khi tàu thuyền khó di chuyển. Không những thế, việc nạo vét không hiệu quả, không được chú trọng còn gây nguy hiểm, tai nạn cho người dân, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Tại xã Vinh Hiền, hàng năm cửa biển phục vụ khoảng 100 chiếc tàu thuyền ra vào. Theo ngư dân Phan Bất (52 tuổi, thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền) thì ở đây, các chủ tàu thuyền phải sắm thêm tàu nhỏ để vận chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ vì tàu lớn không vào bờ được phải neo đậu ngoài biển. Với những tàu tranh thủ đánh bắt, kéo lưới để vào bờ ban ngày có thể dò được luồng lạch, hạn chế tai nạn. Còn những tàu, thuyền phụ thuộc vào luồng cá, mẻ lưới đánh bắt, có khi phải ra vào ban đêm nên dễ gặp nạn khi đi ra, vào cửa biển...
Cửa biển bị bồi lấp trầm trọng không chỉ ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân xã Vinh Hiền mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các vùng ven biển lân cận như Lộc Bình, Lộc Trì của huyện Phú Lộc với hàng trăm tàu, thuyền.
“Trước đây cửa biển sâu 5-7 mét, chừng 10 năm trở lại đây do bồi lắng nghiêm trọng nên chỉ còn sâu một vài mét, có thời điểm, một số vị trí gần như trơ đáy. Giờ mỗi lần ra khơi, chúng tôi phải canh lúc nào nước lên để đưa tàu, thuyền ra khơi chứ nước thấp các tàu lớn đánh bắt không thể di chuyển ra biển được. Hầu như các vụ tai nạn tàu, thuyền, mắc cạn chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Ngư dân ở đây mong muốn được nhà nước quan tâm hơn để họ yên tâm bám biển...”, ngư dân Lương Văn Hiền (62 tuổi, xã Lộc Bình) lo lắng.
Người dân phải sắm thêm thuyền nhỏ để đưa thủy hải sản vào bờ |
Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho rằng, việc luồng lạch cửa Từ Hiền bị cạn là có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do tác động của môi trường tự nhiên. Việc khơi thông luồng lạch ở đây trở nên quá bức thiết. Những năm qua, dù đã có nhiều dự án về nạo vét, khơi thông luồng lạch, nhưng sau mỗi lần khơi thông, ít lâu sau lại bị bồi lấp trở lại.
“Địa phương đã nhiều lần kiến nghị cần có giải pháp đồng bộ, ngoài nạo vét, khơi thông cần có xây dựng kè chắn cát mới chống được bồi lấp lâu dài. Mong muốn của xã và dân nơi đây là sớm được khơi thông cửa biển, nhằm đảm bảo sinh thái cũng như mang lợi lợi ích kinh tế của người dân ven phá Tam Giang - Cầu Hai. Khi cửa biển được khơi thông, nghề đánh bắt thủy hải sản trong xã mới có cơ hội phát triển hơn. Tàu thuyền trong khu vực sẽ ra vào cửa thuận lợi, thay vì phải vào qua cửa Thuận An hoặc Đà Nẵng như hiện tại”, ông Lợi chia sẻ.
Sẽ xây dựng kè
Phòng TN&MT huyện Phú Lộc nhận định rằng, khu vực cửa Tư Hiền có đặc điểm địa hình như một vòng cung. Qua nghiên cứu về dòng hải lưu và các yếu tố ảnh hưởng, dù vào mùa hè có hướng gió Đông Bắc, hay vào mùa đông có hướng gió Tây Nam đều đưa cát về bồi lấp cửa biển Tư Hiền. Vì vậy, việc bồi lấp cửa biển sẽ còn tiếp tục diễn ra nếu không có giải pháp chỉnh lý và không có hệ thống kè chống cát, chống sóng. Trong khi đó, Sở NN&PTNT cũng có thông tin ban đầu về phương án chống bồi lấp là làm mỏ hàn mềm, nhưng phương án đó sẽ không đạt hiệu quả lâu dài. Với đặc điểm vùng cửa biển Tư Hiền, phải đê chắn cát kiên cố mới đảm bảo chống bồi lấp.
Tàu thuyền không thể ra khơi, người dân thiệt hại về kinh tế. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây kè trong năm tới |
Trước tình hình cấp thiết, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ xây dựng 2 bờ kè chắn cát ở bên ngoài cửa và vuông góc với bờ biển để chống bồi lấp. Dự kiến, mỗi bên kè sẽ có độ dài khoảng 200 - 250m tính từ bờ biển trở ra. Dự kiến trong quý I/2020 sẽ khởi công dự án. Nhưng do cửa biển này địa hình, địa lý phức tạp nên khi làm kè chắn cát xong, việc bồi lấp chưa chắc sẽ không xảy ra, nhưng có điều chắc chắn là sẽ dễ xử lý, khắc phục hơn khi bị bồi lấp so với trước. Sau này, tỉnh sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều nguồn kinh phí để đầu tư nối dài đê chắn cát, có thể dài 400 - 500m mới đạt hiệu quả lâu dài".