Thừa Thiên - Huế cải cách TTHC về đất đai: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết
(TN&MT) - Thời gian qua tại Thừa Thiên - Huế, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai đã được quan tâm và có những chấn chỉnh kịp thời, qua đó tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bãi bỏ nhiều TTHC không đúng quy định
Cương quyết bãi bỏ các TTHC không đúng quy định gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành các quyết định công bố danh mục TTHC và nội dung từng TTHC cụ thể được thực hiện theo nội dung đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, đã ban hành Quyết định số 1082/QĐ-UBND ngày 05/5/2022 về công bố Danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở TN&MT; Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 về công bố Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở TN&MT.
Đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 9/9 huyện, thị xã và TP. Huế với (141 đơn vị cấp xã) đưa vào vận hành trên Hệ thống Phần mềm VBDLIS của Tập đoàn Viettel theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đã triển khai kết nối liên thông thuế điện tử, kết nối một cửa Dịch vụ công của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai Đề án 06/CP
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND cấp huyện tổ chức thực hiện giải quyết các TTHC về đất đai theo đúng quy định của pháp luật nhằm minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết TTHC. Công tác tiếp nhận TTHC thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua đầu mối tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công các cấp của tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 12377/UBND-ĐC ngày 21/11/2022 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện; trong đó, đã chỉ đạo quyết liệt về cải cách TTHC và công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tăng cường hoạt động kiểm soát TTHC, xây dựng nguyên tắc trong giải quyết TTHC về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời hạn giải quyết TTHC về đất đai theo đúng quy định để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; đảm bảo công khai, minh bạch; rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC khi thực hiện các giao dịch đất đai trên môi trường điện tử; đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Theo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 9/9 huyện, thị xã và TP. Huế với (141 đơn vị cấp xã) đưa vào vận hành trên Hệ thống Phần mềm VBDLIS của Tập đoàn Viettel theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đã triển khai kết nối liên thông thuế điện tử, kết nối một cửa Dịch vụ công của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai Đề án 06/CP; tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh trên phần mềm VBDLIS.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra, rà soát tham mưu tổ chức lựa chọn phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để quản lý, vận hành cơ sở Dữ liệu đất đai. Nâng cấp, vận hành có hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức kịp thời, thuận tiện và hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan giải quyết TTHC về đất đai chịu trách nhiệm xác định rõ việc liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông tin đất đai với các cơ quan có liên quan. Quy định kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan và quy định về dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai nhằm tạo công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể truy xuất, kiểm tra quá trình giải quyết TTHC về đất đai của cơ quan giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước nói chung và trong quản lý đất đai nói riêng phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh chỉ đạo triển khai trong thời gian qua.
“Bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, tỉnh cũng quan tâm đến công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức có liên quan trong việc tham mưu giải quyết TTHC đất đai quá hạn, bao gồm cả quá hạn thực tế và quá hạn do quên thao tác trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trong thực hiện TTHC về đất đai, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc có các hành vi cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu, hạch sách, yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ TTHC nhiều lần trái với quy định”, ông Phương khẳng định.