Thừa Thiên Huế: Báo động tình trạng cháy rừng liên tục

Bài, ảnh: Văn Dinh| 29/07/2020 06:30

(TN&MT) - Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 32 vụ cháy rừng tính từ đầu năm 2020 đến nay, riêng trên địa bàn TP. Huế có đến 14 vụ. Đây là con số đáng báo động và cơ quan chức năng đang triển khai nhiều phương án phòng cháy chữa cháy rừng...

Hơn 30 vụ cháy

Chiều 27/7, một đám cháy lớn xuất phát ở khoảng 6, tiểu khu 13 thuộc phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà). Nhận được tin báo từ người dân, hơn 100 người gồm kiểm lâm các đội cơ động số 1, 2, văn phòng Chi cục kiểm lâm, các chủ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ, công an, quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, dân quân tự vệ… đã đến hiện trường.

Trực tiếp ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến chỉ huy chữa cháy trong đêm cùng Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà.

Nhiều vụ cháy rừng về đêm tại Huế. Trong ảnh là cháy rừng hôm 27/7

Cơ quan chức năng đã điều 4 xe chữa cháy của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các phương tiện cơ giới và thủ công như máy thổi gió, bàn dập lửa, dao, rựa tiến hành dập lửa. Tuy nhiên do nắng nóng từ nhiều ngày qua cùng với  địa hình đồi dốc, khó tiếp cận địa điểm xảy ra cháy nên công tác chống cháy đã gặp nhiều khó khăn. Song với kinh nghiệm, các lực lượng đã triển khai các phương án chống cháy, nhất là tiến hành phân đường chia cắt đám cháy nhằm không để cháy lây lan ra diện rộng. Diện tích rừng bị cháy ước tính khoảng 4 - 4,5 hecta, trong đó có 2 hecta rừng thông.

Cách đây ít ngày (22/7), một ngọn lửa bùng phát ở rừng thông ở phường An Tây (TP. Huế). Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều 3 xe chữa cháy và hàng chục cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền và người dân địa phương tổ chức ngăn chặn lửa lây lan.

Ngoài huy động nhiều bồn chứa nước lớn, vòi xịt nước, việc phát đường băng, đường ranh cản lửa được cho là hiệu quả cao trong quá trình xử lý các vụ cháy rừng, tránh lây lan diện rộng. Sau gần hai giờ tích cực triển khai các biện pháp chữa cháy, các đám cháy cơ bản được dập tắt; ước tính diện tích bị thiệt hại gần 3.000m2, chủ yếu cháy phần thực bì và 2/3 thân cây thông.

Hơn 30 vụ cháy rừng đã xảy ra từ đầu năm đến nay, gây thiệt hại không nhỏ

Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế thông tin, tính đến ngày 27/7, có tổng số 32 vụ cháy rừng trên toàn tỉnh với diện tích rừng bị cháy là 3,69 ha, diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn ước tính là 0,54 ha, diện tích có khả năng phục hồi là 3,15 ha. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là rừng thông đặc dụng ở khu vực núi Ngự Bình, Tam Thai, Thiên Thai do Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý.

Có đến 14/32 vụ phải huy động đến lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để điều động xe cứu hỏa, mỗi lượt từ 2-5 xe. Tổng số lượt người tham gia chữa cháy khoảng 1.700 người/vụ. Có ngày xảy ra 2 - 3 vụ cháy, đa số các  vụ cháy xảy ra ban đêm khiến việc chữa cháy rừng của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Báo động và tăng cường giải pháp

Ông Mai Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý – Bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Huế xảy ra 10 vụ cháy rừng gây thiệt hại khá lớn diện tích rừng thông cảnh quan. Số vụ cháy rừng liên tục xảy ra chỉ trong vòng một tháng nay là con số đáng báo động. Phần lớn các vụ cháy đều xảy ra trong khung giờ từ 16h đến 21h hàng ngày và tái bùng phát vào sáng hôm sau. Đây là khung giờ mà người dân thường đến viếng mộ, thắp nhang, đốt vàng mã. Trong khi đó, tại các khu rừng thông cảnh quan hiện nay tồn tại lớp thực bì khô khá dày; cộng thời thời tiết nắng nóng, khô hanh nên chỉ cần sơ suất nhỏ khi vứt tàn thuốc bừa bãi, bất cẩn, chủ quan khi đốt nhang, vàng mã sẽ dẫn đến các vụ cháy đáng tiếc.

Ông Mai Văn Tâm nhận định, từ nay đến tháng 8/2020, khu vực Trung Bộ nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng còn nắng nóng gay gắt, kéo dài. Các biện pháp PCCCR đang được cơ quan chức năng tích cực triển khai; tuy nhiên khi ý thức của một bộ phận người dân còn thấp sẽ là thách thức lớn đối với các lực lượng trong bảo vệ rừng mùa nắng nóng.

Nhiều biện pháp phòng ngừa cháy rừng đang được triển khai

Một trong những biện pháp được cho tối ưu nhất hiện nay là công tác tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Trong quá trình tuần tra, giám sát rừng, lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền lưu động, cảnh báo nguy cơ, nguyên nhân và các biện pháp PCCCR đến với các hộ dân sống cạnh rừng và những người dân viếng mộ.

“Tuần lửa rừng” cũng là một trong những biện pháp hiệu quả trong công tác PCCCR. Những ngày này, các lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra rừng, kể cả ban đêm để phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các đám cháy khi mới bùng phát. Đây cũng là biện pháp để các lực lượng có thể phát hiện kịp thời các đối tượng vi phạm nhằm có biện pháp răn đe, giáo dục, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Quy chế phối hợp giữa các lực lượng, ban ngành như công an, quân đội, kiểm lâm, chính quyền địa phương… đã được triển khai ngay từ đầu năm. Thực tế qua các vụ cháy thời gian qua, quy chế phối hợp đã thật sự phát huy hiệu quả khi các lực lượng vào cuộc xử lý, ngăn chặn kịp thời các đám cháy, tránh lây lan diện rộng. Trong điều kiện ngành kiểm lâm còn thiếu các thiết bị, phương tiện, nhân lực PCCCR thì sự vào cuộc của các lực lượng vũ trang, huy động phương tiện, bồn nước, vòi xịt, bàn dập lửa… đã kịp thời ngăn chặn đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại cho rừng”, ông Tâm chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, các đơn vị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng vũ trang và các lực lượng khác trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng”, “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời” để bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, chủ động phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Báo động tình trạng cháy rừng liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO