Thừa Thiên Huế: Ấn tượng nhiều trường hợp “đặc biệt” dự thi THPT Quốc gia 2019

27/06/2019 08:09

(TN&MT) - Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang diễn ra tại Thừa Thiên Huế, có nhiều trường hợp “đặt biệt” ở huyện miền núi A Lưới dự thi. Thí sinh lên chức ông nội vẫn đi thi; cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã lần đầu đi thi... Tất cả đều có chung một ước mơ đó là đến trường thi để chinh phục kiến thức đã học, hoặc để khẳng định mình với con cháu, cho con cháu noi gương.

Ông Hồ Quang Đông dù đã làm ông nội vẫn quyết tâm đi thi
Ông Hồ Quang Đông dù đã làm ông nội vẫn quyết tâm đi thi

Làm ông nội vẫn đi thi

Ông Hồ Quang Đông ở thị trấn A Lưới năm nay đã 55 tuổi, là thí sinh cao tuổi nhất tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia kỳ thi THPT lần này.

Ông Đông chia sẻ ông học xong lớp 9 tại trường Dân tộc nội trú A Lưới từ năm 1985, sau đó đi bộ đội. Gần 30 năm sau khi tóc đã bạc, lên chức ông nội, ông lại học tiếp lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện A Lưới.

Năm 2018, ông Đông vượt hơn 17 km từ xã biên giới Hồng Vân vào thị trấn A Lưới thi tại điểm trường tiểu học Kim Đồng, song không đậu. Sau kỳ thi năm ngoái, ông đã dành thời gian nhiều hơn ngoài công việc ở thôn để lo ôn tập bài vở, cố lấy bằng tốt nghiệp THPT. Tham gia kỳ thi năm nay, ông Đông thi môn Toán, Văn, Lịch sử và Địa lý.

“Việc học không bao giờ là muộn, nên động viên những thí sinh bằng tuổi cháu mình hãy cố gắng thi tốt. Đề Văn nói về sông Hương và ý chí của con người nên tôi cũng làm được vì hiểu rõ về dòng sông và thấy hình ảnh của mình trong đề thi. Riêng đề Toán, nhiều câu không làm được, đành khoanh may rủi để tránh điểm liệt...”- ông Đông bộc bạch.  

Anh Hồ Văn Nhuận- cán bộ kiểm lần lần đầu đi thi. Ảnh: Võ Thạnh
Anh Hồ Văn Nhuận- cán bộ kiểm lần lần đầu đi thi. Ảnh: Võ Thạnh

Anh kiểm lâm 37 tuổi lần đầu đi thi 

Đó là anh Hồ Văn Nhuận (37 tuổi, trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới). Sau 15 năm nghỉ học phổ thông, anh Nhuận mới hoàn thành chương trình lớp 12 và đây là lần đầu anh đi thi THPT quốc gia.

Theo anh Nhuận, vào năm 2005 do điều kiện gia đình khó khăn, anh không hoàn thành chương trình lớp 12 nên không thể thi tốt nghiệp THPT. Năm 2008, anh đăng ký đi học trung cấp kiểm lâm tại Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Sau khi tốt nghiệp, anh Nhuận làm ở Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Huế, rồi chuyển sang làm kiểm lâm tại khu Bảo tồn Sao La thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến năm 2018, biết có lớp học bổ túc tại trường THCS A Roàng, anh đăng ký theo học. Cứ thứ bảy, chủ nhật, anh lại chạy xe máy hơn 30 km từ chòi canh rừng ra trường THCS A Roàng học bổ túc lớp 12.  Năm nay anh thi 4 môn gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý.

Thí sinh dự thi tại Thừa Thiên Huế
Thí sinh dự thi tại Thừa Thiên Huế

“Tôi có hai con, con trai lớn sang năm sẽ thi THPT quốc gia. Năm nay, tôi đăng ký đi thi vừa phục vụ công việc sau này, nhưng cũng để con tôi nhìn gương mà cố gắng học tập. Tôi tự tin đã ôn thi kỹ, tự tin sẽ đậu để học tiếp đại học từ xa ngành kiểm lâm”- anh Nhuận nói.

Nữ cán bộ xã lần đầu “vượt vũ môn”

Năm nay, chị Ngô Thị Phú (33 tuổi, A Lưới) lần đầu đi thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Chị tâm sự gia đình khó khăn nên dở dang việc học khi đang học lớp 11.

Là cán bộ phụ nữ xã A Roàng, năm 2016 chị học một lớp bổ túc mở tại trường THCS xã A Roàng. Cũng như 2 trường hợp trên, chị Phú đăng ký thi môn Toán, Văn, Lịch sử và Địa lý.

“Xã hội thay đổi nhiều, mình phải có kiến thức thì nói dân bản mới nghe. Ba năm qua, tôi cố gắng theo học và quyết tâm đi thi THPT. Nếu năm nay thi không đậu, sang năm tôi sẽ thi tiếp”- chị Phú hào hứng.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các điểm thi. Tính đến nay công tác thi tại Huế vẫn an toàn, nghiêm túc, chưa có sự cố nào...
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các điểm thi. Tính đến nay công tác thi tại Huế vẫn an toàn, nghiêm túc, chưa có sự cố nào...

Năm nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 31 điểm thi với 519 phòng thi; khoảng 1.888 cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia ban coi thi. Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi là 12.140 thí sinh, trong đó có 377 thí sinh là người dân tộc thiểu số.

Đến hiện tại, Thừa Thiên Huế vẫn chưa ghi nhận có thí sinh nào bị lập biên bản. Cán bộ coi thi cũng không vi phạm quy chế và nghiêm túc. Không có sự cố đặc biệt nào xảy ra...

Công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối ở các phòng thi được siết chặt. Tại các điểm thi, cán bộ coi thi đã hướng dẫn, nhắc nhở “sĩ tử” tuyệt đối không được mang theo điện thoại di động hay các thiết bị truyền phát thông tin vào phòng thi. Lực lượng công an, y tế, điện lực phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục bảo đảm điều kiện thiết bị kỹ thuật phục vụ tốt kỳ thi. Đã có nhiều điểm phát cơm trưa, nước uống miễn phí của các mạnh thường quân dành cho các thí sinh...

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến một số điểm thi để thăm hỏi, đồng thời yêu cầu các điểm thi thực hiện nghiêm chỉnh quy chế thi, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực thi. Đặc biệt, ông Thọ nhấn mạnh “tuyệt đối không để xảy ra gian lận trong thi cử cũng như không để xảy ra tình trạng lọt đề thi”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Ấn tượng nhiều trường hợp “đặc biệt” dự thi THPT Quốc gia 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO