Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời các vấn đề đại biểu nông dân cả nước đặt ra |
Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương (tháng 4/2018). Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản” có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm: Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các Ban Đảng, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo bà con nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân cả nước.
Theo Ban Tổ chức, trước thềm Hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua Báo NTNN/điện tử Dân Việt, qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, qua các chuyên gia, nhà khoa học về nông dân, nông nghiệp, nông thôn…
Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Nhóm tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Nhóm câu hỏi về đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và vốn; Nhóm câu hỏi về nông thôn mới và các vấn đề xã hội ở nông thôn…
Ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân đó chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Năm 2019 được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do biến động về thị trường toàn cầu. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động bởi thiên tai, tình trạng BĐKH, xâm nhập mặn... đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.
Ngoài các ý kiến được ban tổ chức tiếp nhận, chuyển đến các bộ ngành và Thủ tướng nhiều ý kiến đã được đại biểu đại diện nông dân cả nước phát biểu tại Hội nghị, liên quan đến 3 nhóm vấn đề đã được đại biểu đại diện các Bộ ngành chức năng và Thủ tướng trả lời trực tiếp tại Hội nghị.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị |
Đặc biệt, tại Hội nghị, trước khi đối thoại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu vấn đề: "Hiện nay, BĐKH đang diễn ra rất nặng nề. Nhất là ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, những giải pháp nào có thể phát huy lợi thế của bà con nông dân, đặc biệt là vùng ĐBSCL?".
Ông Lý Văn Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ) phát biểu tại Hội nghị |
Ông Lý Văn Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ), đặt vấn đề: "Vấn đề sạt lở đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Cồn Sơn. Mỗi năm, Cồn Sơn mất đi một diện tích đất đáng kể do sạt lở. Đây cũng là vấn đề nhiều địa phương ở ĐBSCL gặp phải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Theo thông tin chúng tôi nắm được, toàn vùng có 564 điểm sạt lở, với chiều dài trên 800km.
Tôi cũng được biết, một trong những nguyên nhân xảy ra sạt lở xảy ra nhiều năm trên sông Tiền, sông Hậu là do chính quyền địa phương cho khai thác cát. Vấn đề cần giải quyết ngay là cấm khai thác cát ở nhiều địa phương, những địa phương cho khai thác thì quy định càng khắt khe càng tốt. Rất mong, tại Hội nghị này, Thủ tướng có chỉ đạo các địa phương lập lại trật tự trong khai thác cát ở đây".
Ông Phan Văn Thụ (ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), phản ánh hiện ở nhiều tỉnh ĐBSCL đã phải áp dụng các biện pháp tăng vụ, khai thác triệt để đất đai đưa vào sản xuất, có nơi canh tác tới 3 vụ lúa/năm hay tình trạng đào ao nuôi trồng thủy sản phá vỡ quy hoạch xảy ra ở nhiều nơi. Điều này đã dẫn tới việc, chúng ta phải đổ hàng triệu tấn hóa chất, phân bón, thuốc kháng sinh nuôi trồng thủy sản xuống đồng ruộng, ao hồ.
"Xin hỏi Thủ tướng, tới đây Chính phủ sẽ có những chính sách gì để vừa đẩy mạnh được sản xuất, song cũng đảm bảo canh tác bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng một nền nông nghiệp sạch và an toàn?" - ông Thụ hỏi.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Văn Tạo (ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), nông dân sản xuất lúa, làm trang trại, băn khoăn về tình trạng BĐKH ở ĐBSCL hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp và biểu hiện rõ nét đặc biệt là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, lũ về muộn. "Tôi được biết cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị về BĐKH ĐBSCL và nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với BĐKH. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ dành nguồn lực như thế nào để phát triển cho toàn vùng?".
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trả lời các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu |
Trả lời các câu hỏi của nông dân đặt ra liên quan đến vấn đất đai, môi trường, BĐKH, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nêu rõ: "Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay tình hình sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Số liệu thống kê cụ thể cho thấy số hộ sử dụng dưới 0,2ha đất nông nghiệp chiếm khoảng 36%, số hộ sử dụng từ 5ha trở lên chỉ chiếm có 2%.
Để tiến lên sản xuất lớn theo công nghệ cao, thì nhu cầu đất đai là vấn đề cấp bách hiện nay. Pháp luật hiện nay về đất đai đã quy định hạn mức tương đối lớn. Trong sự chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ TN&MT hiện nay đang xây dựng dự thảo về quy định về tập trung, tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết khó khăn vướng mắc cho bà con nông dân. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12/2019".
Cùng với những thông tin về chính sách chuyển đổi đất lúa được Bộ TN&MT quan tâm thời gian qua và hiện nay đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện chuyển đổi cây lúa sang cây trồng khác sao mang hiệu quả kinh tế cao hơn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cũng trả lời về vấn đề rác thải nông thôn mà nông dân quan tâm.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, rác thải hiện là vấn đề nóng, cả nước hiện có lượng rác thải nông thôn rất lớn đưa ra hằng ngày nhưng tỷ lệ thu gom chỉ được 60% và chủ yếu là chôn lấp. Tới đây không thể xử lý theo mô hình mỗi xã 1 lò đốt rác nữa vì lò đốt này không đủ khả năng, quy mô để xứ lý. Bộ TN&MT đang xây dựng kế hoạch xử lý theo cách liên xã, cấp huyện, sử dụng công nghệ cao để xử lý chất thải. Theo đó, khuyến khích xã hội hoá và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đồng thời phải tuyên truyền tốt để người dân chủ động phân loại rác từ nguồn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời về quy hoạch ĐBSCL phát triển bền vững |
Trả lời các vấn đề về phát triển bền vững, thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, khẳng định ĐBSCL là vùng đất mới được hình thành nên nền đất yếu, xa trung tâm lớn như TP.HCM, chi phí đầu tư cao, thu hút đầu tư ít từ nước ngoài mặc dù nơi này chiếm vị trí quan trọng trong xuất khẩu nông nghiệp, đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế cả nước. Vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới là cần quy hoạch lại ĐBSCL, tổ chức lại không gian hợp lý đảm bảo phát triển nhanh, bền vững,thích ứng BĐKH, nếu không quy hoạch lại trong quá trình phát triển sẽ bị cạnh tranh, mâu thuẫn…
"Dự kiến quý 4 năm 2020, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để có quy hoạch tốt nhất này cho ĐBSCL. Ngoài ra, ĐBSCL cần phải có liên kết vùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng cơ chế điều phối liền kết vùng này. Tuy nhiên, ngoài sự chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương sẽ phải tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chặt chẽ. Về nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông để sản xuất, thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm trong giai đoạn tới 2 tỷ USD (tương đương 45.000 tỷ đồng), trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 1 tỷ USD. Số tiền trên dùng để đầu tư giao thông, hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đảm bảo an ninh nguồn nước.
Về sạt lở, chúng tôi sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ, xác định rõ các điểm sạt lở nghiêm trọng cấp bách cần giải quyết sau đó sẽ trình Thủ tướng phương án sử dụng ngân sách dự phòng năm 2019 để làm sao giải quyết ngay thiệt hại cho người dân. Cũng về vấn đề sạt lở này, ngoài phía Trung ương, chính quyền địa phương, người dân phải có sự giám sát chặt, có biện pháp hạn chế tình trạng này xảy ra. Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các địa phương phải có sự hỗ trợ, không trông chờ vào ngân sách của Trung ương" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời các câu hỏi về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng BĐKH |
Trực tiếp trả lời các câu hỏi về vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng BĐKH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sau khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ, Chính phủ đã có Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 về ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.
Triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành NN&PTNT chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt, đó là: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH của vùng.
Mục tiêu đến năm 2020, ĐBSCL sẽ thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước, sinh kế của người dân được đảm bảo; mạng lưới kết nối hạ tầng, kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn hiện đại.
Quan điểm của Đảng, Chính phủ đối với phát triển ĐBSCL là kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, biến khó khăn thành thách thức thành cơ hội.
Chính vì vậy phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng chuỗi giá trị cao.
Bên cạnh đó, phát triển tuân thủ quy luật tự nhiên trên tinh thần thuận thiên; xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, các tình huống bất lợi.
Chủ trương phát triển ĐBSCL là lấy con nguời làm trung tâm, giảm khoảng cách giàu - nghèo; chú trọng chất lượng hơn số lượng. Xác định BĐKH, nước biến dâng là xu thế tất yếu, phải thích nghi, biến thách thức thành thời cơ.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bày tỏ sự tin tưởng của nông dân vào các chính sách hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho tam nông tiếp tục được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống. Hy vọng, sau đối thoại, những vấn đề vướng mắc của nông dân tiếp tục được Chính phủ, Bộ ngành vào cuộc giải quyết, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
|
"Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu, giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để sau giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện.
Trước hết chúng ta đều biết nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp ĐBSCL đều đạt được những thành công quan trọng. Nói về ĐBSCL chúng ta xuất khẩu lớn như thế, và chúng ta đã đảm bảo được một mức lợi nhuận cho người dân. Tuy vậy, tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra.
Qua Hội nghị hôm nay, tôi rất cảm ơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm, đặt ra. Mục tiêu của hội nghị đối thoại này là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, liên kết 6 nhà, tạo chuỗi giá trị nông sản. Chúng ta đã trả lời được một cách cơ bản những vướng mắc. Liên kết 6 nhà còn nhiều bất cập, trở ngại. Đặc biệt vấn đề môi trường, dịch bệnh, tích tụ đất đai là vấn đề bà con rất quan tâm.
Về thị trường, các Bộ ngành cần có dự báo, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường, yếu tố đầu vào như vốn, vật tư nông nghiệp. Những cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn là vấn đề rất lớn.
Sắp tới đây hội nghị về vấn đề môi trường ở nước ta, trong đó vấn đề về xử lý chất thải rắn, nhất là rác ở nông thôn, cần có thông điệp rõ ràng hơn. Cần cung cấp đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến thị trường, tiêu chuẩn cần thiết để xuất khẩu.
Bà con cũng nêu cần giảm diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch. Năm nay chúng ta đã giảm 500.000ha đất trồng lúa, và chúng ta giảm diện tích để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Cần tiếp tục rà soát các loại thủ tục liên quan đến hỗ trợ của người nông dân, như thủ tục vay vốn, là vấn đề cần được quan tâm.
Khởi nghiệp cho nông dân là một vấn đề rất lớn. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này các Bộ ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp.
Các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm an toàn thực phẩm. Và sẽ có những chủ trương mạnh mẽ, như liên kết vùng, khu vực.
Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác: Nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh.
Và tại đây chúng ta kêu gọi đất nước ra cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ để phát triển nông nghiệp.
Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có.
Cuối cùng, xin chúc quý vị đại biểu, các bác nông dân mạnh khỏe, tiếp tục sản xuất tốt, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước".
(Trích phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại với nông dân của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc).