Đẩy mạnh phòng chống thiên tai, bão lũ
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quốc Khánh |
Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 và các kế hoạch hằng năm, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.
Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến. Kinh tế biển được chú trọng phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Đáng chú ý, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét. Các quy định pháp luật được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hơn; công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt; phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tập trung thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên, khoáng sản, ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép. Nhiều chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, ứng phó các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn được chú trọng. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng do lũ lụt rất lớn ở miền Trung vừa qua, đặc biệt là những gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sỹ cả nước và với sự giám sát của Quốc hội tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Chú trọng BVMT, phòng chống thiên tai và thích ứng BĐKH
Khẳng định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 – 2030, Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 là phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc Khánh |
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu.
“Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng nêu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, xử lý ô nhiễm các dòng sông; nâng cao chất lượng môi trường không khí. Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là tại miền núi phía Bắc và miền Trung, bảo đảm cuộc sống an toàn và sinh kế cho người dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm an ninh, bền vững nguồn nước quốc gia. Tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi quốc gia và từng vùng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.