Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương, chính quyền một số tỉnh, thành phố, đại diện các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia, nhà khoa học, những người hành nghề luật, đại diện một số tổ chức xã hội. Đống chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo tại Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; xác định nhu cầu và đề xuất các định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để khai thác những lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời ứng phó với những mặt trái do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này mang lại.
Hội thảo có 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn về pháp luật dân sự, kinh tế, việc xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tiếp cận công lý và bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng phiên tham luận quan trọng.
Với thông điệp “Chung tay xây dựng chính sách, pháp luật trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội thảo tiếp tục khẳng định cam kết, đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc khai thác, tận dụng triệt để những thành tựu mà khoa học, công nghệ mang lại.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật được lắng nghe, trao dổi với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) để nhận diện đầy đủ về nhu cầu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đó có những định hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi nhằm khai thác cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đồng thời hạn chế, kiểm soát những tác động tiêu cực phát sinh.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và ý kiến đóng góp có chất lượng của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến tập trung nhận diện các vấn đề pháp lý mới phát sinh; đánh giá mức độ thích ứng của hệ thống pháo luật Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đề xuất các định hướng lớn cũng như các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan tới quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, Regtech, tài sản số, áp dụng cơ chế thử nghiệm trong phạm vị hạn chế (sandbox), quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chứng cứ số, giải quyết tranh chấp trực tuyến,… qua đó góp phần trong việc quản trị rủi ro, kiểm soát những tác động bất lợi; đồng thời tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Kết quả Hội thảo sẽ được gửi tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức hữu quan để làm tài liệu tham khảo quan trọng cho công tác xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật Việt Nam và việc tổ chức thực thi trong thời gian tới.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ cập nhật những thông tin tại Hội thảo ở các bản tin tiếp theo.