Sáng ngày 28/4, tiếp tục chương trình công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022.
Cùng dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Trước đó, chiều ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Tại hội nghị, tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 12.078 tỷ đồng và ký ghi nhớ nghiên cứu khảo sát đầu tư với 19 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký trên 200 nghìn tỷ đồng.
Được biết, năm 2018, tỉnh Sóc Trăng tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp. Đến nay, có 7 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 2.870 tỷ đồng; 4 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 3.230 tỷ đồng; 2 dự án đã thực hiện thủ tục đấu giá và các dự án khác đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Từ sau hội nghị, tỉnh tiếp tục đón tiếp, làm việc với hơn 500 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, nghiên cứu đầu tư; qua đó tỉnh đã thu hút được 101 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 67.500 tỷ đồng.
5 trụ cột thu hút đầu tư và cam kết '4 đồng hành' của Sóc Trăng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực sau.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics nhằm khai thác lợi thế vị trí được quy hoạch là cảng biển cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trọng tâm là dự án cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề). Kết hợp, phát huy lợi thế hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư trong thời gian tới như tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển.
Về hạ tầng công nghiệp – đô thị, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu – cụm công nghiệp. Đồng thời khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa các khu vực tại huyện Trần Đề, huyện Long Phú nhằm phát triển đồng bộ khi các dự án cảng biển, khu công nghiệp được hình thành.
Một số dự án thu hút đầu tư tiêu biểu trong lĩnh vực này như các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tại Kế Sách, Vĩnh Châu, Long Phú với tổng diện tích gần 700 ha dọc theo tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu; các dự án đầu tư khu đô thị mới trên địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú, thành phố Sóc Trăng,…
Tỉnh ưu tiên thu hút vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản Sóc Trăng. Các dự án thu hút đầu tư tiêu biểu như Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái 662 ha tại thị xã Ngã Năm, Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái 314 ha tại huyện Mỹ Tú.
Tỉnh phát triển du lịch theo định hướng khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, lễ hội, tâm linh. Kết hợp kêu gọi đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao; du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Đồng thời, thu hút đầu tư du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hoá trên sông; du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển gắn với Tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.
Một số dự án tiêu biểu như dự án sân golf tại xã Song Phụng, huyện Long Phú; dự án khu lâm viên, vui chơi giải trí, tham quan du lịch 20,65 ha tại Phường 9, thành phố Sóc Trăng.
Sóc Trăng cũng có tiềm năng để phát triển ngành năng lượng tái tạo, với 72 km bờ biển nên rất có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Trong thời gian tới, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất dự kiến 5.250 MW.
Với tinh thần coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh, ông Trần Văn Lâu khẳng định Sóc Trăng cam kết thực hiện phương châm "4 đồng hành" như sau:
- Đồng hành cùng nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp quy hoạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.
- Đồng hành với nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính để triển khai dự án; kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương.
- Đồng hành cùng nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình. Tỉnh cam kết đầu tư hạ tầng, đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến "chân hàng rào dự án".
- Đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động của dự án.
Sóc Trăng có thể thành một thành phố biển với điểm đột phá cảng Trần Đề
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Sóc Trăng có điều kiện, tiềm năng, thế mạnh sắp tới vô cùng lớn khi trong vòng khoảng 5 năm tới, chậm nhất là 7 năm, Sóc Trăng sẽ có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ trong tổng thể khu vực ĐBSCL, cả về đường bộ, đường không, hàng hải, vận tải ven biển.
Trong đó, cảng nước sâu Trần Đề sẽ là một điểm khác biệt chỉ có ở Sóc Trăng và khi cảng Trần Đề hình thành thì không cảng nào trong vùng so sánh được. Vị trí Trần Đề là vị trí xây dựng cảng nước sâu tốt nhất của vùng, đây cũng là điểm đột phá chung của Sóc Trăng và cả vùng. Khoảng cách từ đây về Cần Thơ, trung tâm vùng, chỉ có 60 km.
Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 "hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng".
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vị trí quy hoạch cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề do khu vực này nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi đến trung tâm vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong vùng đã và đang được đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng cho biết, hệ thống đường cao tốc trong khu vực đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đặc biệt là với hai trục lớn là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ - Cà Mau và tuyến Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ hỗ trợ đặc biệt cho cảng Trần Đề.
Tổng chiều dài đường cao tốc trong khu vực sẽ tăng từ khoảng 40 km vào thời điểm đầu nhiệm kỳ lên khoảng 500 km vào năm 2025, 2026. Cùng với đó, Bộ đang thực hiện các thủ tục triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi trên địa bàn các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng. Đây cũng là cây cầu cuối cùng trên Quốc lộ 60 để kết nối các tỉnh phía đông ĐBSCL.
Sóc Trăng cũng có vị trí thuận lợi về hàng không khi chỉ cách sân bay Cần Thơ khoảng 60 km. Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải cũng đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Sóc Trăng (cảng Trần Đề).
Theo Bộ trưởng, khu vực quanh cảng Trần Đề có tiềm năng rất lớn cho phát triển các khu công nghiệp vì gần cảng nước sâu, chi phí vận tải rất thấp. Sóc Trăng có thể trở thành một thành phố biển như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng kỳ vọng.
Phát triển hệ sinh thái đầu tư bảo đảm 12 chữ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng chúc mừng những kết quả xúc tiến đầu tư Sóc Trăng đạt được trong hơn 4 năm qua, đánh giá cao các đại biểu, các nhà đầu tư đã góp ý chân thành, thẳng thắn với tỉnh Sóc Trăng.
Thủ tướng cho biết, các định hướng lớn mà tỉnh Sóc Trăng cần quán triệt, thực hiện hiệu quả đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV…
Do đó, tại hội nghị, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ suy nghĩ về 13 vấn đề để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng tới mục tiêu 12 chữ: "Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững".
Thứ nhất, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bao gồm 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, các giá trị văn hóa, đạo đức và môi trường sinh thái để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, uy tín của con người Việt Nam.
Thứ hai, phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách minh bạch, công khai, ổn định, góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư. Tình hình diễn biến rất nhanh, khó lường, do đó phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để hoàn thiện thể chế.
Thứ ba, thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đều có trách nhiệm trong thực hiện các đột phá này. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trước hết là đường bộ cao tốc, cảng biển trong bối cảnh lượng hàng xuất khẩu của vùng ĐBSCL rất lớn, đặc biệt là nông sản, thủy sản… Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Thủ tướng cho rằng, thực hiện các khâu đột phá này, chỉ Trung ương hay chỉ địa phương đều không thể làm được, do đó cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của cả Trung ương và địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…, tức là huy động sức mạnh tổng hợp trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ông lấy ví dụ về việc đầu tư các tuyến cao tốc.
"Nhà đầu tư bao giờ cũng phải nghĩ tới hạ tầng, thể chế, người lao động. Những điều này chỉ Trung ương làm cũng không được, chỉ chính quyền địa phương làm cũng không được. Mà cả Trung ương và địa phương cùng làm nhưng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không vào cuộc thì cũng không làm được", Thủ tướng nói.
Thứ tư, phải coi trọng công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Đổi mới để tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, tạo ra những con người mới. Phải có tư duy đột phá thì mới mang lại nguồn lực đột phá, mới có thể "đi sau về trước". Muốn phát triển bền vững thì phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Quy hoạch phải tìm ra và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, khắc phục được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, hạn chế, bất cập. Cùng với việc phát huy những thành quả, tiềm năng đã có, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cần phải chủ động tạo ra những cơ hội phát triển mới, sức hút mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu những điều này, soi chiếu vào tầm nhìn của họ, nếu thấy đúng, trúng, hai bên gặp nhau thì sẽ tự tìm đến đầu tư. Thủ tướng nhắc lại cách đây khoảng 20 năm, ông đã từng tiếp đại diện của Tập đoàn Intel, họ chỉ hỏi một câu là trong 48 tiếng đồng hồ, sản phẩm của họ có thể đi khắp thế giới được không. Thủ tướng cho biết khi đó, ông không trả lời được câu hỏi này và việc đầu tư của Intel khi đó chưa thể tiến hành.
Thứ năm, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề như xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy… tại khu vực ĐBSCL. Giải quyết được vấn đề của tỉnh thì sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của cả nước, vấn đề toàn cầu. Phải xử lý được các vấn đề này thì các nhà đầu tư mới yên tâm tìm đến.
Tán thành với định hướng thu hút phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, Thủ tướng cho rằng Sóc Trăng đường bờ biển dài 72 km, sức gió bình quân hơn 6 m/giây, là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió...
"Hôm qua tôi khảo sát ven biển Sóc Trăng, thì thấy việc bồi lắng ven bờ có thể giúp các trụ điện gió ngày càng đứng vững, trong khi năng lượng gió ngày càng rẻ. Nhưng muốn chuyển đổi năng lượng cần phải chuyển đổi đồng bộ về pháp lý, công nghệ, tài chính, quản trị và con người. Mặt khác, phải nói thẳng thắn với các nhà đầu tư, rằng Việt Nam trải qua chiến tranh kéo dài, là nước đang phát triển, vậy thì phải hỗ trợ Việt Nam để việc ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý…", Thủ tướng phát biểu.
Thứ sáu, phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước. Làm từng bước chắc chắn, đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện, vừa có tính ổn định, vừa có tính linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Trong quá trình phát triển, phải bảo đảm cân đối, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Thứ bảy, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư đều mong muốn đến một đất nước có nền kinh tế độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào bên ngoài. Nhưng độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tinh thần dựa vào nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài, xác định nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Cùng với đó, luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn (thu – chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, lương thực – thực phẩm, cung cầu lao động).
Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại.
Thứ tám, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của các cấp, các ngành. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải quan tâm, bám sát, "lao tâm, khổ tứ" để cùng làm với địa phương, chống xin – cho.
Thứ chín, sự đồng hành của doanh nghiệp. Thủ tướng mong các nhà đầu tư làm việc với các địa phương trên tinh thần "nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật", không "đánh bóng hình ảnh", tránh tình trạng "ký kết rầm rộ, hoành tráng, chỗ nào cũng xuất hiện" nhưng không triển khai được nhiều trong thực tế, gây mất niềm tin. Cùng với đó, phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống "chạy chọt" dự án, đất đai, sai phạm về môi trường…
"Chỗ nào đẹp nhất mà quy hoạch làm bất động sản thì bán một lần là hết. Trước hết, phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm, thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như vậy thì phát triển bất động sản mới bền vững. Chưa có sản xuất kinh doanh đã nghĩ đến việc bán nhà thì bất động sản không thể phát triển bền vững", Thủ tướng lưu ý.
Thứ mười, sự ủng hộ của người dân. Thủ tướng đề nghị người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; mặt khác, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đồng thời bảo đảm nơi tái định cư mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. Khi tư tưởng đã thông thì người dân sẽ đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng nhường mặt bằng cho các dự án.
Mười một, vấn đề huy động nguồn lực. Thủ tướng đề nghị đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công - tư, đồng thời huy động vốn qua các kênh hợp pháp như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, ODA… Vừa qua, đã xảy ra một số vi phạm liên quan tới các thị trường này, nhưng cần khẳng định đây chỉ là thiểu số, chúng ta phải cương quyết xử lý để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ các nhà đầu tư chân chính, không hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế.
Mười hai là vấn đề truyền thông. Thủ tướng lưu ý một số nơi chưa coi trọng công tác truyền thông. Phải đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông, không để khủng hoảng truyền thông.
Mười ba, việc tổ chức thực hiện trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng, thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường gặp gỡ, trao đổi giữa các bên liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rà soát thể chế, cơ chế, chính sách, đề xuất với các cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền để hoàn thiện, bổ sung, huy động sức mạnh của người dân và doanh nghiệp.