Theo báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55%.
Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường; chất thải rắn sinh hoạt chưa được quản lý, xử lý và thải bỏ một cách an toàn, đây chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, nhiều trường hợp gây mất an ninh trật tự địa phương do người dân phản đối.
Để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học để bàn về các giải pháp quản lý và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản; Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc; một số viện, cơ quan nghiên cứu và một số trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; một số doanh nghiệp, cơ sở xử lý chất thải.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố, đô thị bước đầu đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên tại nhiều vùng nông thôn vẫn chưa được quan tâm; nhiều thôn, xã, chưa có đơn vị chuyên trách trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất khó khăn, rác thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, sông, suối, ruộng đồng hoặc tập trung tại các bãi rác tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện đang gặp khó khăn chung do việc quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển từ điểm trung chuyển đến bãi chôn lấp chất thải. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.
Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Theo số liệu ước tính, khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (biogas) hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ (compost) nhưng số lượng còn rất ít.
“Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Việc đầu tư, vận hành cơ sở xử lý chất thải tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa và tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp đa phần chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, do những ảnh hưởng tiêu cực của việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí do đốt hoặc thu hút động vật (ruồi, gián, chuột) ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh, gây ra sự phản đối của cộng đồng đối với việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt.” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề: Các thuận lợi và khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm việc giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý; bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế.
Các đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới.
Góp ý cho dự thảo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
“Các trao đổi, thảo luận và ý kiến góp ý của các quý vị đại biểu tại Hội thảo sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đối với nội dung chất thải rắn sinh hoạt theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tham luận về các chủ đề: Tình hình quản lý chất thải rắn tại Việt Nam; Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; Quản lý chất thải rắn tại các đô thị Hàn Quốc; Giới thiệu về công nghệ điện rác và cacbon organic;.. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ đăng tải thông tin chi tiết trong các bài tiếp theo.