Trong bối cảnh hiện nay, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Là quốc gia nằm ven Biển Đông với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam; hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển.
Nghị quyết 36-NQ/TW là nền tảng cho việc quản lý, phát triển kinh tế biển bền vững
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể song vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa biển; chưa quan tâm đúng mức xây dựng thiết chế văn hóa các vùng biển và ven biển; chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.
Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại, đồng thời giảm thiểu thách thức và nguy cơ đối với tài nguyên và môi trường biển, Việt Nam cần chủ động xây dựng một nền kinh tế biển xanh. Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng các nguồn tài nguyên của đại dương được khai thác và sử dụng bền vững nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế đồng thời bảo tồn sức khoẻ của các hệ sinh thái biển, đại dương.
Với Nghị quyết 36, Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định “Nghị quyết đã đưa ra một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra”.
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, kể từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành thì nhận thức của hệ thống chính trị, toàn xã hội và kiều bào về biển, đảo được nâng lên. Đã đổi mới tư duy về nhận thức hướng sự phát triển ra biển, trong đó đã hình thành các vùng biển, địa phương có biển trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế; mức đóng góp vào GDP cả nước luôn đạt trên 60% trong giai đoạn 2007-2017; đời sống văn hoá, xã hội, việc làm, thu nhập của người dân ven biển, các vùng biển và các đảo được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, vấn đề chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh đảm bảo. Các công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, đảo được triển khai chủ động, toàn diện; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tại Hội nghị, ông Tạ Đình Thi cho biết, đây là dịp để các vị đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về việc triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời là cơ hội để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Nhìn lại việc thực hiện Chiến lược biển 2020, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, 10 năm qua, việc phát triển kinh tế biển vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém.
Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, vẫn còn có những quan niệm khác nhau về kinh tế biển, chưa coi trọng tính liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển – ven biển.
Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Chỉ tiêu về GDP của kinh tế biển – ven biển và GDP kinh tế thuẩn biển không đạt mục tiêu của chiến lược đặt ra, kinh tế biển 10 năm qua vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế khai thác, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển đang giảm sút nhanh chóng. Bên cạnh đó, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị đầu độc liên quan tới phát triển kinh tế xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. …
Từ những hạn chế này, PGS Nguyễn Chu Hồi đề xuất một số nhóm giải pháp để thực hiện thành công các định hướng của chiến lược biển 2030 như khoa học công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, xây dựng quảng bá thương hiệu biển Việt Nam…
Bạc Liêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển
Trong phần tham luận của mình, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đều thể hiện sự quyết tâm để phấn đấu 2045 Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển. Trong đó, toàn diện kinh tế biển theo hướng hiện đại gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, phát triển kinh tế hàng hải, đường thuỷ nội địa và cảng nước sâu kết nối với các cảng biển trong vùng, các vùng kinh tế biển của khu vực miền Nam, trở thành cảng biển trung chuyển ven biển trong và ngoài nước; phát triển du lịch cao cấp tại các đảo nhỏ ven biển trong vùng, khu vực; đưa kinh tết biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lee Young Jeol – Chủ tịch tập đoàn DATAM, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông tương lai Hàn Quốc, Tổng Thư ký Liên hiệp hội giao thông xuyên Á cho biết, phía Hàn Quốc đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng trong vấn đề nỗ lực xây dựng và phát triển chiến lược biển.
Dẫn chứng từ những thành tựu của Hàn Quốc, ông Lee Young Jeol cho rằng nếu Hàn Quốc những năm trước đây không tận dụng được lợi thế của đất nước có ba mặt giáp biển thì Hàn Quốc không thể có được những thành tựu về kinh tế - xã hội như hiện nay.
Đối với Bạc Liêu, ông Lee Young Jeol nhấn mạnh đây là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển, với những chính sách đúng đắn từ Chính phủ, với quyết tâm của chính quyền nhân dân và sự đồng hành của những doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Lee Young Jeol tin rằng Bạc Liêu sẽ và sẽ đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường trên nền tảng công nghệ sáng tạo như máy phát điện sức gió và máy phát điện năng lượng mặt trời.