Thứ trưởng Lê Công Thành: Phát huy vai trò nêu gương, sở trường, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bảo vệ tài nguyên, môi trường

15/11/2018 10:01

Sau 6 năm tổ chức thực hiện, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đạt nhiều kết quả thiết...

 

 

Sau 6 năm tổ chức thực hiện, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường sống, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đã có trên 4 triệu NCT được tham và hưởng lợi từ kết quả bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và xây dựng nông thôn mới. Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu bài trao đổi của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành với phóng viên Báo Người cao tuổi (Trung ương Hội NCT Việt Nam).
 

DSC 4566
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành  - Ảnh: Hoàng Minh 

 

PVThưa Thứ trưởng, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội NCT Việt Nam trong 6 năm qua?

 

Ông Lê Công Thành: Hội NCT Việt Nam và Bộ TN&MT đã có truyền thống trong phối hợp công tác. Ngay nhiệm kỳ đầu thành lập Bộ TN&MT, Bộ TN&MT đã quan tâm đến việc tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội; xã hội nghề nghiệp trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững. Bộ TN&MT và Hội Người cao tuổi VN đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó ký kết Chương trình phối hợp công tác; đề ra các nhiệm vụ hoạt động cụ thể, thiết thực.

 

Ngày 26/7/2017, Hội NCT Việt Nam và Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác số 239/CTPH-HNCT-BTNMT về việc "Thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017 - 2022". Đây là Chương trình để thay thế Chương trình số 265/CTP-HNCT- BTNMT ngày 01/6/2012.

 

Hội NCT Việt Nam và Bộ TN&MT thống nhất phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai đến các đơn vị trực thuộc và các địa phương. Một số hoạt động nổi bật như:  Các cấp Hội tích cực tham gia các sự kiện về tài nguyên và môi trường do Bộ TN&MT hướng dẫn tổ chức như Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Giải thưởng Môi trường Việt Nam.

 

Tổ chức tập huấn "NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới" cho hơn 5.600 cán bộ Hội 63 tỉnh, thành phố. Tại cơ sở, thông qua sinh hoạt thường xuyên hoặc các trường chính trị đã tổ chức cho hơn 3 triệu lượt NCT học tập các nội dung trên. Đóng góp hàng vạn ý kiến có giá trị và thực tiễn vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Khí tượng Thủy văn và các cơ chế chính sách mới về tài nguyên, môi trường. Cả nước đã có hơn 2.300 xã về đích nông thôn mới, chi khoảng 815 nghìn tỉ đồng, trong đó huy động trong dân khoảng 12%. Nguồn vốn huy động trong dân có công lớn của NCT vận động gia đình con cháu, dòng họ. Hội NCT thực hiện công tác hòa giải trong đền bù giải tỏa, tranh chấp, chính quyền địa phương liên quan về đất đai, giải quyết ô nhiễm môi trường.

 

NCT đóng góp hàng triệu ngày công khai thông cống rãnh, làm đường, làm đẹp nghĩa trang, vệ sinh nơi công cộng, thu gom, xử lý rác thải, nước thải... Hội NCT nhiều địa phương duy trì, tham gia các hoạt động thứ Bảy, Chủ nhật xanh, tình nguyện làm sạch môi trường. Phong trào trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" duy trì và phát triển và đã trồng hơn 50 triệu cây xanh các loại, hàng triệu m2 thảm xanh từ phong trào trồng và chăm sóc cây cảnh ở đô thị.

 

 Xuất hiện nhiều điển hình như mô hình HTX thu gom rác thải thôn Phú Cường, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình vận động đồng bào dân tộc tham gia nếp sống mới của Hội NCT huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mô hình trồng cây chắn sóng, không đánh cá bằng chất nổ của Hội NCT xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hội NCT phường Lĩnh Đông, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh trồng hơn 30.500 cây các loại, vừa tạo mỹ quan môi trường xanh mát để NCT và nhân dân tập thể dục dưỡng sinh, gặp gỡ giao lưu.

 

Bên cạnh đó, có hàng trăm ngàn ý kiến tham gia về quy hoạch, sáng kiến cải tiến sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng vật nuôi, mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Hàng chục ngàn vụ việc được hòa giải thành công; vận động thành công hàng nhiều vụ việc về bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương... ; tuyên truyền; lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường vào các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm; bình chọn danh hiệu thi đua "Tuổi cao - Gương sáng" hằng năm.

 

PVÔng đánh giá như thế nào về chương trình và vai trò của NCT trong quá trình thực hiện?

 

Ông Lê Công Thành: Chương trình được coi là khung chương trình về sự phối hợp công tác giữa cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế - xã hội với một tổ chức xã hội có tính đặc thù cao; kết hợp được các yếu tố về lợi thế của nhau để thúc đẩy sự nghiệp chung là bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Phát huy được sở trường kinh nghiệm của NCT; vai trò nêu gương NCT đi đầu tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình, dòng họ, trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của chính bản thân mình và cộng đồng xã hội. Quá trình triển khai đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương tiêu biểu, hàng trăm mô hình hoạt động, phù hợp với NCT.

 

TW Hội, Hội thành viên và NCT đóng góp hết sức quan trọng góp phần tích cực giải quyết vấn đề nhạy cảm, bảo vệ môi trường, quản lí tài nguyên, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong xã hội.

 

Tuy nhiên, một số cấp Hội chưa chủ động triển khai nhiệm vụ; chưa nhận thức đầy đủ và làm tốt công tác phối hợp ở địa phương. Một số Sở TN&MT tuy đã ký kết Chương trình phối hợp nhưng chưa chủ động triển khai nhiệm vụ. Nguồn lực, nhân lực của Hội hạn chế nên khó chủ động triển khai đến cơ sở, ít có điều kiện biểu dương khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt.

 

PVTrong thời gian tới, các cấp Hội và hội viên cần làm gì để thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp?

 

Ông Lê Công Thành: Cần tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa Bộ TN&MT với Trung ương Hội, các Sở và Hội địa phương trong thực hiện Chương trình, có kế hoạch cụ thể cho từng năm. Nâng cao vai trò, vị trí của NCT làm động lực, vận động các đối tượng khác tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Lấy hoạt động ở cơ sở làm trung tâm, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

 

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn để đưa nội dung Chương trình phối hợp đi vào cuộc sống; bàn cơ chế, bảo đảm hoạt động ổn định, thường xuyên. Đề nghị TW Hội xây dựng nhiệm vụ cụ thể, chọn công việc phù hợp, phân công rõ ràng. Trước mắt, tuyên truyền vận động để người dân và NCT hạn chế sử dụng nguyên liệu 1 lần hướng tới sử dụng nguyên liệu bền vững; giải quyết vấn nạn rác thải nông thôn; vận động giáo dục con cháu thực hiện tốt chính sách về tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, mong muốn NCT cả nước phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, văn hóa ứng xử trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu xây dựng một số tiêu chí đánh giá sự nỗ lực bảo vệ môi trường địa phương, trong đó cộng đồng, NCT trực tiếp tổ chức, đánh giá; đồng thời có cơ chế khuyến khích, khen thưởng để Hội tham gia bền vững vào hoạt động này. 

 

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Người cao tuổi cần tăng cường chỉ đạo để xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ phát huy vai trò Người cao tuổi trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tích cực xã hội hóa nguồn lực triển khai Chương trình phối hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Lê Công Thành: Phát huy vai trò nêu gương, sở trường, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bảo vệ tài nguyên, môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO