Thống đốc Lê Minh Hưng: Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu

12/06/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, chiều 12/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cam kết nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước được Chính phủ bảo đảm trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong 5 năm tới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều 12/6,
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều 12/6. Ảnh:Quốc Khánh

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, vì việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, doanh nghiệp. Qua đó, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và bảo đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Ông Lê Minh Hưng cho rằng, không sử dụng các khoản chi ngân sách Nhà nước cho xử lý nợ xấu được Chính phủ bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng sẽ liên quan đến việc trích lập dự phòng. Khi yêu cầu các doanh nghiệp tăng quỹ trích lập dự phòng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trích nộp thuế doanh nghiệp.

Thứ hai, khi tăng cường xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng thương mại, và do đó ảnh hưởng đến cổ tức nộp cho Nhà nước. Vì vậy, ông Hưng cho hay: “Gián tiếp ngân sách Nhà nước có hỗ trợ nhất định cho xử lý nợ xấu”.

Về thời hạn áp dụng Nghị quyết xử lý nợ xấu cho các khoản nợ trước 31/12/2016 hay cho cả các khoản nợ phát sinh trong thời gian 5 năm thực hiện Nghị quyết từ 2017/2022… theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc áp dụng xử lý nợ xấu với các khoản nợ hiện tại và các khoản nợ phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của Nghị quyết là rất cần thiết vì nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày và song hành hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

ĐBQH phát biểu hảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
ĐBQH phát biểu hảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều 12/6. Ảnh:Quốc Khánh

Thống đốc Ngân hành NNVN Lê Minh Hưng cho biết, trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì tính trung bình nợ xấu phát sinh hằng năm là 1,3-1,5% trên tổng dư nợ cho vay cân đối với nền kinh tế. Với tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế bình quân hằng năm khoảng 16% thì dự kiến nợ xấu phát sinh trong 5 năm tới 2017-2022 là khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát hoạt động nợ xấu ở mức dưới 3%, tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới là khoảng 640 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu ghi nhận đến 31-12-2016 thì số nợ xấu mới phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế.

“Nếu một tổ chức tín dụng các khoản nợ xấu trước 31/12/2016 xử lý theo Nghị quyết này còn khoản nợ xấu sau đó xử lý theo quy định hiện hành thì rất bất cập. Chúng tôi mong Quốc hội xem xét và quyết định vấn đề này…” - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Trước phiên thảo luận, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: việc xử lý nợ xấu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao do vướng mắc về pháp lý, có những vấn đề pháp luật chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa đủ mạnh để giải quyết nợ xấu.

Khoản 2, Điều 15, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Nghị quyết được ban hành để thí điểm các chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác với quy định của Luật hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị quyết là có cơ sở pháp lý, bảo đảm tính hợp Hiến.

Về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có tranh chấp tại Điều 7, ông Vũ Hồng Khanh cho biết: Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: Minh bạch thông tin việc thu giữ, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của UBND cấp xã, cơ quan Công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giao tài sản bảo đảm và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở…


Hải Ngọc - Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc Lê Minh Hưng: Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO