Kinh tế

Thiếu cơ chế, khó phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi

Mai Chi 27/12/2023 - 10:48

Đây là ý kiến của rất nhiều chuyên gia năng lượng tại cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/12, tại Hà Nội.

51754dcee6394e671728.jpg
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.

Thiếu cơ chế, Quy hoạch điện VIII khó đạt được mục tiêu

Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí là 30.424 MW) và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Đồng thời việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Mục tiêu đặt ra đối với phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi là rất rõ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với cơ chế, chính sách hiện hành rất khó đạt được mục tiêu của Quy hoạch điện VIII.

2904-454520230512150050.png
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, để triển khai dự án điện khí cần khoảng thời gian từ 7 - 8 năm; dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan.

Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết: Hiện chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện….tất cả các vướng mắc trên đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí.

“Cho đến nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan. Như vậy, có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG còn rất thiếu để đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, việc chưa xem xét để kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam.”- ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho biết: Ngoại trừ Hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII thuộc trách nhiệm của Petrovietnam đều đang được triển khai, tuy nhiên do thiếu các cơ chế chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư. Cụ thể, đối với điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước, lợi ích của Nhà nước rất lớn, 1kWh Nhà nước thu gần 50% các loại thuế, phí...

Nói về điện gió ngoài khơi, ông Hùng cho hay, do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên được các nước trên thế giới gắn với hoạt động của dầu khí ngoài khơi như: Khảo sát đáy biển, điều tra...và điều này Petrovietnam hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.

Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, các dự án điện khí có nhiều điểm khác biệt so với những nguồn điện khác, đặc biệt là vấn đề giá thành và đầu vào. Vậy nên, nếu trong khuôn khổ pháp lý của thị trường điện hiện nay thì rất khó để điện khí có thể tham gia một cách “sòng phẳng”. Do đó, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế đặc thù cho các nguồn điện đặc thù để có thể tham gia hòa lưới và phát điện, đồng thời phải có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách linh hoạt, theo đúng tín hiệu của thị trường mới đảm bảo được sự phát triển bền vững của các nguồn điện.

Đối với các dự án điện khí LNG, hiện pháp luật hiện hành chưa quy định việc bao tiêu sản lượng khí tối thiểu; Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện; Cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Đây là 3 vướng mắc cần được tháo gỡ trong thời gian tới để phát triển điện khí.

1-1-.jpg
Chuyến tàu LNG đầu tiên cập Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam

Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi cũng có những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến: Cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi; Đến nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện lực; Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Muốn giải quyết được những vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Hiện chúng ta cùng một lúc thực hiện nhiều mục tiêu về năng lượng, và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đang chờ đợi. Do đó, phải có cơ chế đặc biệt, đối với câu chuyện điện gió ngoài khơi, tiềm năng về gió thì có nhưng quy định của luật chưa phù hợp, có cái thậm chí là chưa có. Ông Thành cho rằng, cần có Ban chỉ đạo năng lượng để thực thi nhất quán; cần có một nhóm tư vấn về chiến lược về cơ chế chính sách.

hydrogen-xanh2022101817372920231225092852.jpg
Năng lượng hydrogen dự tính phục vụ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện, giao thông vận tải và các ngành công nghiệp khác (lọc dầu, phân bón, luyện kim, xi măng...)

Còn ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương với tư cách là đầu mối cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cần có đề xuất với Quốc hội để có một nghị quyết triệt để về triển khai quyền bình đẳng trong đấy có tất cả các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG… Cần phải có nghị quyết cho phép triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung pháp lý. Bởi vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật như Luật đầu tư, Luật điện lực, Luật giá, đấu thầu... Nếu chờ sửa luật sẽ dẫn đến chậm trễ trong chuyển đổi năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế, khó phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO