Thiếu chế tài khó xử lý dứt điểm vi phạm đất đai

25/12/2013 00:00

Do nhiều nguyên nhân, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đất sai mục đích của các tổ chức, đơn vị được giao đất, cho thuê đất...

(TN&MT) - Do nhiều nguyên nhân, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đất sai mục đích của các tổ chức, đơn vị được giao đất, cho thuê đất đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, chế tài để xử lý việc này còn nhiều bất cập dẫn đến quá trình thực thi còn vướng mắc.
   
Vi phạm nhiều, xử lý chỉ đạt… “quá bán”!
   
  Theo Bộ TN&MT, hiện tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có chiều hướng gia tăng. Trong đó, phổ biến là tình trạng sử dụng đất lãng phí, đất đã được giao, được thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng hoặc không đưa đất vào sử dụng; sử dụng đất sai mục đích; để đất bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật; các sai phạm gây lãng phí đất như sử dụng đất không hiệu quả, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không theo quy hoạch...
   
Nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian dài do cơ chế xử phạt còn lỏng lẻo. Ảnh: Viết Dũng
    
   
  Hiện, cả nước có 8.909 tổ chức vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất, với diện tích 137.651,48 ha. Các tỉnh, thành đã xử lý 5.182/8.909 tổ chức (mới đạt 62,60%), với diện tích đất 114.177,15/137.651,48 ha (đạt 82,90%). Trong đó: Đã thu hồi đất của 939 tổ chức với diện tích 44.860,233 ha; Đang lập hồ sơ thu hồi đất của 564 tổ chức với diện tích 28.052,106 ha; Đang tiếp tục xử lý 1.798 tổ chức với diện tích 24.762,284 ha;  Xử lý khác đối với 1.881 tổ chức (yêu cầu đưa đất vào sử dụng, cho phép chuyển mục đích, điều chỉnh xây dựng, xử lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) với diện tích 16.502,572 ha. Qua đó, thu nộp ngân sách Nhà nước sai phạm sử dụng đất là 61.178,725;  thuê đất 1.077,198 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.902,331 triệu đồng; xử lý khác 62.859,084 triệu đồng.
   
  Lý giải về điều này, Bộ TN&MT cho rằng, việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai, thu hồi đất do chậm triển khai thực hiện các dự án sử dụng đất gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như chưa có quy định về hạn mức sử dụng đất đối với từng loại dự án để làm căn cứ xác định, chế tài xử lý vi phạm hành chính về đất đai còn nhẹ, chưa đủ mạnh; những yếu tố lịch sử, yếu tố khách quan, sự suy thoái kinh tế... Nhất là, việc xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu một số tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất do thiếu quy định cụ thể về quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc giao đất cho tổ chức khác sử dụng dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi đất vi phạm.
   
  Bên cạnh đó, do công tác quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển nên không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá, đặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành. Việc triển khai quy hoạch khu công nghiệp của các địa phương còn hạn chế, tỷ lệ lấp đầy còn thấp (cụ thể khu công nghiệp 60,53%; cụm công nghiệp đạt 44,25%).
   
  Bên cạnh đó, phải kể đến là tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở địa phương do chính sách thường xuyên thay đổi; do các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng. Sau khi có vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thì các địa phương hạn chế, e dè khi áp dụng biện pháp hành chính như thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
   
Tăng kiểm tra,  “gỡ” chế tài
   
  Để hạn chế việc vi phạm về đất đai, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014 sẽ thu hẹp hơn các hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong đó làm rõ các công trình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh để tránh lạm dụng trong quá trình thực thi như hiện nay.
   
  Bên cạnh đó, Luật quy định chủ đầu tư phải có năng lực tài chính để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác để hạn chế tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai.
   
  Đặc biệt, Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất, xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ vi phạm pháp luật đất đai.
   
  Theo Tổng cục Quản lý đất đai, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của đơn vị là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án có sử dụng đất để làm rõ tình trạng dự án chậm triển khai thực hiện, để hoang hóa từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai ngày càng nề nếp. Đồng thời, Tổng cục đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, trong đó, sẽ quy định rõ việc xử lý các vi phạm này.
   
Trường Giang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu chế tài khó xử lý dứt điểm vi phạm đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO