Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 10 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/thành phố, trong đó, 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Đặc biệt, đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 - 22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; 82 trận động đất, trong đó, có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4,9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5,3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Miền Trung trải qua đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2020 |
Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai cho thấy, tính đến 6/11, thiên tai đã làm 340 người chết, mất tích (275 người chết, 65 người mất tích, trong đó: bão 25; lũ 97; sạt lở đất 130; lốc sét, mưa đá 54; thiên tai khác 34) và 819 người bị thương. Thiên tai làm cho 3.276 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập.
Thiên tai cũng gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp: 171.337 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 49.658 con gia súc, 3.366.417 con gia cầm chết, cuốn trôi. Thiên tai còn làm cho 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,17 triệu m3.
Đặc biệt là trong tháng 10/2020, thiên tai xảy ra dồn dập, liên tiếp với 4 cơn bão (số 6, 7, 8 và 9), 1 vùng áp thấp và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền; 2 đợt mưa lũ lớn lịch sử, kéo dài tại khu vực miền Trung từ ngày 6 - 13/10 và từ ngày 16 - 20/10.
Trong đó, thiệt hại do 2 đợt mưa lũ và bão số 9 hết sức nặng nề. Tính đến ngày 6/11, mưa lũ và bão số 9 trong tháng 10/2020, đã làm 237 người chết, mất tích, hàng trăm ngôi nhà sập đổ, hư hỏng, hàng trăm nghìn tấn lương thực bị ướt, cuốn trôi… Thiện hại về kinh tế ước tính khoảng 28.005 tỷ đồng.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương đang chỉ đạo các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại; sẵn sàng ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới.
Tính đến 17h ngày 5/11, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho tất cả các tỉnh duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng số là 1.044 xã. Hiện, còn mất điện cục bộ tại một số thôn bị ngập lụt, sạt lở. EVN đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục cấp điện.
Cảnh báo lũ trên sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên
Từ ngày 6 - 7/11, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Ngãi, Bình Định có khả năng lên mức BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.