Khó khăn chồng chất
Theo các chuyên gia kinh tế, gần 2 năm qua, dịch Covid-19 nhiều lần bùng phát đã phân hóa thị trường BĐS, nhiều thời điểm thị trường gần như “đóng băng”, ngành du lịch hứng chịu tổn thất nặng nề. Các chuyến bay quốc tế và nội địa tạm thời dừng lưu thông đã khiến nhiều khu resort “hoang vắng”. Việc thị trường BĐS khởi sắc trở lại, ngoài tín hiệu lạc quan thì còn phải dựa vào số liệu nguồn cung sản phẩm mới, sản phẩm tồn kho và đặc biệt là sự phục hồi ngành du lịch. Phần lớn người dân đã được tiêm vắc-xin đầy đủ, nhưng tâm lý số đông vẫn chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại.
Bất động sản nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 kéo dài (Ảnh minh họa). |
Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, đối với BĐS nghỉ dưỡng như khách sạn, resort, condotel thì thời gian hoàn vốn vào khoảng 8 - 10 năm, tỷ suất sinh lời rơi vào 10 - 12%/năm. Hiện tại, các condotel do dịch bệnh, nên không khai thác cho thuê được, lợi nhuận không có, khiến những nhà đầu tư cá nhân lâm vào cảnh khó khăn. Còn với những nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tự khai thác kinh doanh toàn bộ dự án mà không bán lại cho những nhà đầu tư thứ cấp thì càng khó khăn hơn nữa, bởi vì nguồn thu của họ chỉ đến từ việc khai thác cho thuê và du lịch.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tiềm năng phát triển BĐS nghỉ dưỡng rất dồi dào, nhưng sản phẩm du lịch đang còn ở giai đoạn sơ khai, chưa phát huy hết giá trị thực vốn có. Thực tế, du khách đến các resort phần lớn thường tham quan, nghĩ dưỡng, còn việc cá nhân chi tiền sở hữu để cho thuê, khai thác… thì rất thấp. Ngoài ra, sản phẩm condotel chưa cho phép sở hữu, nên nhà đầu tư phải tìm hiểu, tính toán rất kỹ khả năng sinh lời của dự án trong tương lai rồi mới quyết định “chọn mặt gửi vàng”.
Tâm lý chờ đợi
Theo Công ty DKRA Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường BĐS rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng đã phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có thể dần hồi phục. Tuy nhiên, khó có sự đột biến, lượng tiêu thụ mới cũng không cao. Phần lớn các dự án BĐS nghỉ dưỡng tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc, Bình Thuận, Khánh Hòa và Bình Định, sức mua chung tại các địa phương này cũng nằm ở mức khá thấp.
“Để thích nghi trong điều kiện “bình thường mới”, các chủ đầu tư sẽ tiếp linh hoạt thay đổi hình thức kinh doanh sản phẩm BĐS, ngành du lịch cũng sẽ bắt đầu hoạt động trở lại. Đồng thời, các hãng hàng không đã mở lại nhiều đường bay, nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch “mở cửa” cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, kéo theo đó là sự phục hồi của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng”.
Ông Lê Hoàng Châu,
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong năm 2020, thị trường BĐS nghỉ dưỡng “ảm đạm” cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng hơn 100 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường BĐS tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở, nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ khoảng 30%, các dự án còn lại có giao dịch nhưng không đáng kể. Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng không còn sức hấp dẫn như trước, giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Điều này do 2 nguyên nhân chính, đó là nguồn cung hạn chế và tâm lý “cố thủ, chờ đợi” của các nhà đầu tư xem diễn biến của tình hình dịch bệnh. Trong khi đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Hiện tại, có nhiều chủ đầu tư dự án condotel cũng đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh, bởi họ đang lo ngại về tính thanh khoản. Đại diện đơn vị phân phối một dự án condotel ở Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Năm ngoái, chủ đầu tư dự án này đã giới thiệu ra thị trường hơn 200 biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse và 1.500 căn hộ condotel. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm chuẩn bị, chủ đầu tư chưa tung sản phẩm condotel ra thị trường vì tình hình còn quá khó khăn.