Liên tục biến động
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2022, thị trường BĐS nói chung tiếp tục rơi vào khó khăn, việc siết chặt tín dụng và trái phiếu đã góp phần khiến thanh khoản thị trường BĐS nhanh chóng sụt giảm, chững lại, chỉ tăng ở một số vị trí, loại sản phẩm. Việc lãi suất ngân hàng tăng lên cũng ảnh hưởng tới thị trường.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2022 về giao dịch sức mua thấp. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021. Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư. Riêng quý IV/2022, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%, giá sản phẩm đất nền được điều chỉnh về bằng thời điểm cuối năm 2021, khi chưa xảy ra “sốt đất”.
Riêng thị trường căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do nhu cầu loại hình nhà ở căn hộ này tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa, một phần do chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát ngày càng tăng cao. Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao vẫn ghi nhận tỉ lệ hấp thụ tốt. Tuy nhiên, lượng giao dịch không cao bởi việc hạn chế tín dụng, giá không phù hợp với nhu cầu của người mua nhà ở thật.
Cơ hội phục hồi
Các chuyên gia dự báo, năm 2023, cơ hội sẽ mở ra để cho các doanh nghiệp có quỹ đất, tài chính lành mạnh vươn lên sau khi một số doanh nghiệp trải qua đợt tái cấu trúc, thanh lọc mạnh mẽ. Trước những biến động của thị trường BĐS năm 2022, Nhà nước đã đưa ra các chính sách hỗ trợ trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, điển hình như việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, định hướng phát triển nhà ở, đây là những động lực quan trọng để thị trường BĐS năm 2023 có cơ hội hồi phục và chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS năm 2023 nói chung sẽ còn chịu nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài nhưng vẫn có cơ hội để phục hồi. Dự báo, khoảng cuối quý II/2023, giao dịch sản phẩm BĐS sẽ tốt hơn, nguồn cung ra thị trường cũng sẽ nhiều hơn. Hiện nay, tốc độ phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó, nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh BĐS rất cao. Đây là những yếu tố tạo nên động lực rất lớn cho khả năng hồi phục của thị trường chung.
Trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, các nhà đầu tư cần xem xét, đón nhận thị trường một cách thấu đáo hơn. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt việc giữ giá VNĐ ổn định so với các loại tiền tệ khác, còn BĐS là một khoản đầu tư dài hạn tiềm năng. Nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang có vị thế rất tốt.
Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân
TS. Trần Nguyên Đán - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vừa qua chủ yếu hướng đến các doanh nghiệp BĐS nhưng dòng vốn của thị trường muốn bền vững vẫn phải từ khách hàng, người mua nhà ở. Do đó, thị trường nửa đầu năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách này một phần nào đó khơi thông dòng chảy và thị trường có tiến độ xây dựng tốt hơn.
Ngoài ra, những người có nhu cầu mua BĐS cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng, điều chỉnh lãi suất vay và có thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ chủ đầu tư. Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua BĐS chính là lãi vay, giá bán và cuối cùng là tiềm năng tăng giá sản phẩm trong tương lai.