Theo đó, thị trường TP.HCM, 10 tháng đầu năm 2018 có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà, với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%. So sánh thị trường BĐS Thành phố 09 tháng đầu năm 2018 với 09 tháng đầu năm 2017 thì đều thể hiện sụt giảm.
“Cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường BĐS và đảm bảo an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 19,3%, chiếm tỷ lệ quá thấp. Trong lúc, phân khúc cao cấp chiếm đến 1/3 thị trường - tỷ lệ 31,3% và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung tại TP.HCM cũng như trong phạm vi cả nước như nhận định của Bộ Xây dựng. Đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững”, HoREA nhận định.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng: "Có 07 điểm nghẽn của thị trường BĐS hiện nay chính là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Cụ thể như: việc cơ quan nhà nước chưa giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bao gồm: đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng để thực hiện dự án BĐS là điểm nghẽn đầu tiên trong các điểm nghẽn của thị trường BĐS hiện nay.
Ngoài ra, điểm nghẽn tín dụng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS bị lệch pha cung cầu. Theo đó, hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước, các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường BĐS. Ở nước ta, các doanh nghiệp BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS".