Cơ bản vẫn tích cực
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS năm 2021 đã đi qua với nhiều gam màu tối do những tác động xấu của đại dịch Covid-19. Các dự án phát triển nhà ở phải ngừng hoạt động xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư. Nguồn cung trên thị trường đã sụt giảm và nhiều chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Kéo theo đó, giá bán căn hộ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đều tăng bất chấp lượng tiêu thụ giảm mạnh. Song, xét về tổng quan, theo một số chuyên gia, thị trường vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn. Đáng chú ý, nguồn vốn đổ vào BĐS trong năm 2021 cơ bản vẫn tích cực.
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế khi thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tưcả nội lẫn ngoại. Theo tính toán của batdongsan.com.vn, với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 - 40 chiếm tỷ lệ 55% thì nhu cầu nhà ở và sức mua sắm vẫn rất lớn. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ổn định quanh ngưỡng 6,5 - 6,8% trong nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra mạnh mẽ... là những điều kiện rất tốt để nhà đầu tư yên tâm lựa chọn điểm đến an toàn.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho rằng, dòng tiền chảy vào thị trường BĐS sẽ vẫn rất tích cực. Dự báo nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua tương đương cuối năm 2021 và có thể tăng nhẹ nhưng không quá mạnh. Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn, nguồn cung mới và thanh khoản có thể tăng trưởng có chọn lọc. Những dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi thì lượng tiêu thụ tích cực hơn nhưng cũng sẽ không có “sốt” BĐS trong năm.
Kỳ vọng sớm hồi phục
Theo các chuyên gia BĐS, nếu đại dịch Covid-19 được khống chế tốt, 2022 sẽ là một năm đầy sôi động của thị trường BĐS. Các động lực quan trọng nhất phải kể ra là sự nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu và tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tốc độ phủ vắc-xin cao và việc đường bay quốc tế được mở lại. Về dài hạn, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và một số điều kiện thuận lợi khách quan về vị trí địa lý hay dân số trẻ sẽ giúp nhiều phân khúc BĐS có sức cầu đáng kể, là điều kiện để thị trường BDS tiếp tục năng động và phát triển.
Theo các chuyên gia, những yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường BĐS cuối năm 2021 và 2022 là các nút thắt trong chính sách dần được tháo gỡ và khả năng phục hồi nền kinh tế. Đây sẽ là các động lực quan trọng để đưa BĐS chuyển động nhanh, thành điểm sáng của năm 2022, nhất là khi có các chính sách tích cực để giải ngân cho các dự án cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh.
Theo ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, xét kịch bản lạc quan nhất là các hoạt động kinh tế được khôi phục hoàn toàn thì các phân khúc cũng sẽ hồi phục với tốc độ không giống nhau. BĐS công nghiệp, nhà ở và văn phòng sẽ có nhiều ưu thế và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong năm 2022. BĐS nghỉ dưỡng thì cần thêm thời gian vì có quan hệ chặt chẽ với đà hồi phục của ngành du lịch, có khi cần đến 2 hoặc 3 năm để đạt mức tăng trưởng như giai đoạn trước dịch.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, trong năm 2022, thị trường BĐS có nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn năm 2021, trong đó, một phần là do tác động “vết dầu loang” từ kết quả phiên đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM). Ngoài ra, tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 thứ tư đã khiến nhà đầu tư chuyển dòng tiền vào nhóm tài sản nhà, đất và các loại hình BĐS gắn với đất để tìm kênh trú ẩn an toàn trong năm 2022.