Thị trường bất động sản Đông Nam bộ gặp nhiều thách thức
(TN&MT) - Gần hết quý 3/2023, thị trường bất động sản (BĐS) Đông Nam Bộ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, các chuyên gia cho rằng, bước sang những tháng cuối năm 2023, doanh nghiệp BĐS "bung hàng" Tết thì khả năng thị trường sẽ khởi sắc đôi phần.
Thiếu nhà ở giá rẻ
Trước năm 2019, thị trường BĐS các tỉnh Đông Nam bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sôi động, hàng loạt dự án hình thành, đưa ra thị trường, nguồn cung luôn thiếu hụt. Từ khi dịch Covid-19 hoành hành và nhiều yếu tố khách quan khiến thị trường BĐS chững lại và tuột dốc, vấp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Theo các chuyên gia, ngoài vướng mắc khâu thực thi pháp luật, vướng đất công, bồi thường mặt bằng… khiến hàng loạt dự án BĐS chậm tiến độ và tạm dừng thi công, điều này dẫn đến thị trường BĐS Đông Nam bộ nằm trong tình trạng lệch pha giữa cung - cầu, đặc biệt khu vực Đông Nam bộ thiếu nguồn cung dự án nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc vừa túi tiền cho người có nhu cầu ở thực.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, trong những năm qua, các tỉnh Đông Nam bộ thu hút lượng lớn người lao động đến sinh sống và làm việc, vì vậy nhu cầu về nhà ở rất cao. Tuy nhiên, phân khúc nhà ờ cho người có thu nhập trung bình hoặc thấp gần như “đếm trên đầu ngón tay”, chủ đầu tư phần lớn tập xây dựng nhà ở thương mại giá cao, đất nền phân lô nhiều khu vực pháp lý không đầy đủ, khiến tâm lý người mua không dám xuống tiền.
"Kinh tế suy thoái, ảnh hưởng, kéo theo thị trường BĐS tuột dốc, khách hàng mất niềm tin là điều hiển nhiên. Điển hình, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có hơn 3 triệu người lao động làm việc trong các cơ sở, nhà máy có thu nhập trung bình, thấp. Trong đó, gần nửa số lao động này cần mua nhà ở giá rẻ nhưng số đông họ chỉ là ước mơ… chứ không sở hữu được”, vị chuyên gia kinh tế này nhận định.
Tín hiệu tích cực
Theo khảo sát mới đây của DKRA Vietnam, các tỉnh Đông Nam bộ công khai quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giai đoạn 2021-2023 mời doanh nghiệp đầu tư vào đầu tư dự án nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu sở hữu thực của người dân, bởi phân khúc này hiện nay quá khan hiếm. Chẳng hạn, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hơn 10.000 căn nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh này mời nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng hàng loạt dự án trên địa bàn để đón đầu sân bay quốc tế Long Thành và các đường cao tốc, vành đai sẽ được xây dựng và kết nối trong những năm tới.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh này vẫn trong tình trạng nghe ngóng, chờ cơ hội. Riêng tại Bình Dương, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 10 về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án BĐS để giải quyết vướng mắt, giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà đầu tư lẫn người sở hữu.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường BĐS hiện đang còn nhiều khó khăn về tài chính, chính sách, giao dịch chững lại, nhưng với động thái quyết liệt gỡ khó từ Chính phủ, Bộ ngành, địa phương cũng như nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng thị trường BĐS trên cả nước sẽ dần phục hồi và khởi sắc hơn những tháng cuối năm 2023. Sức cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến và giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho thị trường BĐS trong trung và dài hạn.
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS về các xu hướng nửa cuối năm 2023 của Batdongsan.com.vn cho thấy, 61% người tham gia khảo sát có dự định mua BĐS trong một năm tới. Trong đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất là 40%, sau đó mới đến chung cư 28% và nhà riêng 21%. Điều đó cho thấy mặc dù thị trường BĐS chưa khởi sắc, người dân và nhà đầu tư vẫn luôn có nhu cầu mua BĐS trong tương lai gần, không hề lo sợ hay quay lưng như các kênh đầu tư khác.