Trước đây, có một số ý kiến quan ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường BĐS, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia BĐS qua nghiên cứu 2 cuộc khủng hoảng "bong bóng" BĐS năm 2007 đến đầu năm 2008 và từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2011 cho thấy nhiều bất cập khi dòng tiền đổ vào BĐS quá lớn.
Từ đó, đã xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư kinh doanh BĐS thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà, đi đôi với các đợt sóng tăng giá BĐS với tần số chóng mặt và giới đầu cơ chuyên nghiệp "cầm trịch" làm giá, thổi giá, tạo sóng, đẩy giá ảo rất cao so với giá trị thực của BĐS để trục lợi, kiếm lời nhanh, kích thích tâm lý đầu tư "lướt sóng".
Tuy nhiên, nhờ sự điều tiết của Nhà nước, cụ thể Ngân hàng Nhà nước vừa công bố chủ trương không nới "room" tín dụng trong năm 2019 và đang tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt, và lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực BĐS; các ngân hàng thương mại không có hiện tượng buông lỏng tín dụng hoặc cho vay dưới các khoản gửi dài hạn; lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng giữ trong khoảng 9,3-11%/năm là hợp lý… nên có thể nhận thấy khó xảy ra “bong bóng” BĐS trong năm 2019.
Theo thống kê của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, thị trường BĐS nước ta, nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang phát triển tốt. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, giá BĐS ở các phân khúc trên thị trường Hà Nội chỉ tăng nhẹ, từ 1-4%. Trong khi đó, giá BĐS tại TP.HCM từ đầu năm đến nay tăng cao hơn do nguồn cung khan hiếm.
“Nguồn cung BĐS hiện nay khá dồi dào và mức hấp thụ khá tốt. Đặc biệt, tại TP.HCM, thời gian qua có sự trì hoãn nhất định, nhưng lý do không phải do thị trường mà là do một số vấn đề về thủ tục hành chính. Vì vậy, nguồn cung có giảm, nhưng khả năng hấp thụ vẫn ở mức rất dồi dào”, CBRE Việt Nam nhận định.
CBRE Việt Nam cho rằng, riêng đối với phân khúc đất nền, tại nhiều địa phương đang có hiện tượng sốt ảo. Mục đích của người mua chủ yếu là để “lướt sóng”, mua đi bán lại để kiếm lời, thậm chí nhiều người còn mua bán bằng giấy viết tay. Hàng loạt các dự án “ma” ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM… đang làm cho thị trường BĐS phát triển thiếu lành mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS nước ta hiện nay tuy không có "bong bóng", nhưng cũng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thói quen đầu tư BĐS của người dân chủ yếu theo đám đông. Nếu có hình thức đầu tư mới, sinh lời nhanh là nhiều người bỏ vốn đầu tư mà chưa có cái nhìn bao quát, nhận diện phân khúc đầu tư phù hợp với mình. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch BĐS hiện nay còn chưa đồng bộ và thiếu minh bạch.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đến nay có thể khẳng định sẽ khó xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2019, do các cơ quan Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường BĐS ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng"; các doanh nghiệp BĐS, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều thông minh hơn.