Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị ứng phó bão số 1 của các bộ, ngành, địa phương. “Các địa phương đã triển khai nghiêm túc tất cả các nghiệm vụ theo các bước đã quy định một cách bài bản”. Các bộ, ngành đã vào cuộc kịp thời, tích cực.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, cần dự báo chính xác, bám sát diễn biến để kịp thời cảnh báo cho các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các địa phương, cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các địa phương ven biển tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các trọng điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công.
Các tỉnh khu vực vịnh Bắc Bộ quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Tăng cường tối đa, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là công an, quân đội; hạn chế thấp nhất, không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc do thiên tai.
Đề phòng hoàn lưu bão, Phó Thủ tướng yêu cầu, “cần chú ý kiểm soát chặt chẽ tàu bè, nhất là tàu khách du lịch, chỉ cho hoạt động nếu đảm bảo an toàn”. Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền và có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo, khu vực ven biển, cửa sông.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, cần chủ động rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt. “Các địa phương phải nắm chắc tình hình, có phương án sẵn sàng, bám sát dự báo”, Phó Thủ nhấn mạnh, phải bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở.
Về các hồ chứa, nhấn mạnh yêu cầu “an toàn là hàng đầu”, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp thật tốt trong công tác điều hành các hồ chứa.
Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai năm nay dự báo sẽ có nhiều diễn biến cực đoan, khó lường, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai.
“Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan thì chúng ta phải thích ứng trong hành động, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu dự báo”, Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, hoàn thiện kịch bản, quy trình điều hành khi bắt đầu có thông tin dự báo thiên tai, bảo đảm cung cấp thông tin thông suốt từ trung ương đến địa phương một cách chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với mức độ thiên tai.
Bão số 1 đi vào phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chiều nay (2/7), bão số 1 đã đi vào đất liền khu vực phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của rìa phía Tây bão số 1, tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, tại trạm Phù Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, tại trạm Uông Bí và Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8, tại Thái Thụy (Thái Bình) có gió mạnh cấp 6.
Hồi 16 giờ ngày 2/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 3/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy, hải sản trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông trong chiều tối và đêm nay (2/7) còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Chiều tối và tối nay (2/7), khu vực huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động mạnh; phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh. Từ ngày mai (03/7) gió mạnh do bão giảm dần.
Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 3/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, riêng khu vực Đông Bắc có nơi trên 100mm. Từ ngày 4-7/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.