Theo WMO, nhiệt độ cao hơn gần 0,40C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020 ở hầu hết các nước châu Âu, trong đó, Tây Nam và Tây Âu là những khu vực trên mức trung bình cao nhất do đợt nắng nóng gay gắt vào khoảng giữa tháng 7. Phát ngôn viên của WMO, bà Clare Nullis cho biết, mức nhiệt gia tăng bất chấp hiện tượng La Nina có tác động làm giảm nhiệt độ.
Dẫn số liệu của Cơ quan giám sát khí quyển châu Âu (Copernicus), bà Nullis cho biết, nhiệt độ gia tăng ở một số nơi, nhưng không phải trên toàn cầu và tháng 7 năm nay là tháng mát hơn một chút so với tháng 7/2019 và nóng hơn một chút so với tháng 7/2016. Bà giải thích: "Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa 3 tháng 7 này quá sít sao, cho nên chúng tôi gọi là 1 trong 3 tháng 7 nóng nhất”.
Nhiệt độ tăng cao ở nhiều nơi
Bồ Đào Nha, miền Tây nước Pháp và Ireland đã phá kỷ lục, trong khi Anh lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt 400C. Tại Anh, kỷ lục quốc gia về nhiệt độ tối đa hằng ngày cũng bị phá vỡ ở Wales và Scotland.
Tây Ban Nha cũng ghi nhận tháng nóng nhất vào tháng 7, khi nhiệt độ trung bình trên toàn quốc là 25,60C, với đợt nắng nóng từ ngày 8 - 26/7 là đợt nóng nhất và kéo dài nhất được ghi nhận.
Sử dụng dữ liệu từ Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus của Ủy ban, châu Âu, cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc ghi nhận, châu Âu vừa trải qua tháng 7 nóng thứ 6 trong lịch sử.
Sức nóng lan rộng hơn về phía Bắc và phía Đông gây ra nhiệt độ rất cao trên khắp các quốc gia khác, bao gồm cả Đức và các khu vực của Scandinavia, một tiểu vùng ở khu vực Bắc Âu, với các kỷ lục địa phương trong tháng 7 tại một số địa điểm ở Thụy Điển.
Vào tuần trước, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Hải dương Quốc gia Mỹ cho biết, tháng 7 là tháng nóng nhất được ghi nhận ở Mỹ và nhiệt độ trung bình gần 250C, cao hơn gần 30C so với mức bình thường. Bang Texas ngột ngạt với tháng 7 nóng nhất được ghi nhận, trong khi Oregon vừa chứng kiến tháng 7 nóng thứ 4 trong lịch sử.
Các nhà khoa học cảnh báo, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn là dấu hiệu rõ ràng về tình trạng ấm lên trên toàn cầu.
Tháng trước, WMO cảnh báo các đợt nắng nóng đang hoành hành tại Đông Âu trở nên thường xuyên hơn và sẽ trở thành hiện tượng bình thường mới trong những thập kỷ tới.
Băng cực đang co lại
Theo WMO, mặc dù nắng nóng hoành hành tại châu Âu và những nơi khác, nhưng tháng 7 vừa qua không phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ trên toàn cầu bởi nhiệt độ tại các khu vực khác như những khu vực nằm dọc phía Tây Ấn Độ Dương và phần lớn khu vực Trung Á và Australia thấp hơn so với mức trung bình.
Tuy vậy, bên cạnh mức nhiệt tăng cao, tháng 7 vừa qua cũng chứng kiến lượng băng ở biển Nam Cực thấp nhất được ghi nhận, thấp hơn 7% so với mức trung bình.
Băng ở biển Bắc Cực thấp hơn trung bình 4%, xếp hạng thấp thứ 12 trong tháng 7 theo hồ sơ vệ tinh.
Bà Nullis cho biết: “Các dịch vụ khí tượng cho thấy, lớp băng tuyết thấp trên các sông băng ở dãy núi Alps hiện nay là do những đợt nắng nóng liên tiếp - đây là tin xấu đối với các sông băng ở châu Âu. Tuy nhiên, sông băng của Greenland còn trong tình trạng phức tạp hơn”.