Thay đổi cách tiếp cận tài nguyên nước theo hướng thích ứng và chủ động
(TN&MT) - Theo đại biểu Châu Quỳnh Giao (đoàn ĐBQH Kiên Giang), cần thay đổi chiến lược cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo hướng thích ứng chủ động trong bối cảnh mới nhằm thích ứng với BĐKH đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ Tài nguyên nước.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao dẫn lời của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: “Sứ mệnh quốc gia của đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng nhưng vì sao đến bây giờ người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn nghèo, thu nhập còn thua rất xa so với bình quân của cả nước?”
Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tự hào vì đã góp phần đóng góp đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, khi đóng góp 56% sản lượng lương thực và 95% lượng gạo xuất khẩu trong điều kiện là nguồn vốn phân bổ khiêm tốn; vùng này vẫn là vùng trũng về giáo dục về y tế và thêm một mối lo hàng ngày phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 120 phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó đã xác định con người là trung tâm và tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nhưng việc phát triển ở khu vực này chưa đạt như mong muốn.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao lo ngại nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt, đến năm 2020, lượng phù sa giảm 67% và dự báo đến năm 2040 lượng phù sa giảm 97%. Lượng nước và phù sa giảm kéo theo kinh tế ngư nghiệp giảm, dự báo mất đi 120 đến 205 triệu đô la/năm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông bờ biển và đe dọa đến tài sản tính mạng của người dân.
Đại biểu phân tích nguyên nhân an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng, đó là biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên; sự phát triển đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông và công tác quản lý nguồn nước của chúng ta thiếu tính chiến lược và hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, tại phiên họp này, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục thúc đẩy các đối thoại chính sách cấp cao về an ninh nguồn nước giữa các nước trong khu vực; thay đổi chiến lược cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo hướng thích ứng chủ động trong bối cảnh bất ổn xã hội, bất ổn biên giới nhất là khu vực biên giới Tây Nam; sớm phân bổ vốn kịp thời theo Quyết định số 1162 ngày 8 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ, tức là bổ sung nguồn vốn dự phòng khoảng 4.000 tỷ đồng trong nguồn ngân sách trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đồng thời chính quyền địa phương kết hợp với các bộ ngành chức năng tăng cường năng lực dự báo và năng lực đánh giá quản lý bảo vệ tài nguyên nước cho cán bộ phụ trách và tăng cường ý thức của người dân bảo vệ tài nguyên nước.
Trước đó, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Mục tiêu của việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, sẽ chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.