Chim bay qua máy bay bị bỏ rơi ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan vào tháng 10/2019. Ảnh: Mladen Antonov / AFP |
Một nghiên cứu mới đây cho biết mức độ ô nhiễm âm thanh ảnh hưởng đến vô số sinh vật từ cá đến chim. Theo các tác giả của nghiên cứu này, nên điều chỉnh tốt hơn tiếng ồn do các hoạt động của con người tạo ra để bảo vệ động vật hoang dã.
Giao thông đường bộ, máy bay, tàu thủy, nhà máy và khoan dầu là tất cả các hoạt động của con người tạo ra tiếng ồn và hầu hết số đó có tần số dưới 4kHz. Nó trùng lặp với tần số mà nhiều động vật giao tiếp và đó thường là một phạm vi nghe nhạy cảm.
Các nghiên cứu phát hiện ô nhiễm tiếng ồn có liên quan đến tình trạng sức khỏe con người kém hơn và các chuyên gia cho rằng nó cũng có thể ảnh hưởng đến động vật hoang dã, từ việc phá vỡ giao tiếp của chúng đến ảnh hưởng đến nơi sống và việc tìm kiếm thức ăn của chúng.
“Chẳng hạn, ở loài dơi, chúng cố gắng xác định vị trí con mồi thông qua các tín hiệu âm thanh. Nếu có tiếng ồn, chúng sẽ lập tức nghe thấy, vì vậy chúng phải bay lâu hơn và dành nhiều thời gian cũng như năng lượng hơn để tìm thức ăn” – TS. Hansjoerg Kunc, đồng tác giả của nghiên cứu thuộc Đại học Queen's Belfast, Vương quốc Anh cho biết.
Viết trên tạp chí Biology Letters, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 100 nghiên cứu về ảnh hưởng của tiếng ồn đối với nhiều loại động vật, từ động vật thân mềm đến động vật có vú.
Các nghiên cứu dựa trên các thí nghiệm trong đó các khía cạnh khác nhau về hành vi của động vật hay các biện pháp khác, chẳng hạn như thay đổi nồng độ hormone, được ghi lại trước và sau khi tiếp xúc với tiếng ồn.
Kích thước của bất kỳ sự thay đổi nào từ hành vi trước tiếng ồn sau đó đã được tính theo thang điểm. Nghiên cứu mới nhất đã thực hiện tất cả các tính toán này và đặt chúng lại với nhau cho 6 nhóm động vật, bao gồm cả cá và chim.
Kết quả cho thấy tiếng ồn do con người tạo ra ảnh hưởng đến tất cả 6 nhóm động vật được xem xét, bao gồm nhiều loài. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả lớn hơn những nghiên cứu khác nhưng phân tích của TS Kunc và nhóm của ông cho thấy điều này không phải là sự gần gũi về di truyền hoặc các nhóm loài.
“Do đó, phản ứng đáng kể đối với tiếng ồn có thể được giải thích bởi hầu hết các loài phản ứng với tiếng ồn hơn là một số loài đặc biệt nhạy cảm với tiếng ồn. Tiếng ồn rất quan trọng theo quan điểm bảo tồn bởi vì điều đó có nghĩa là những nỗ lực giảm tác động phải tính đến một loạt các loài trong các hệ sinh thái khác nhau” – các tác giả viết.
Kunc cho biết tiếng ồn có thể thay đổi thành phần loài của một khu vực và sau đó tất nhiên mất đi chức năng của một hệ sinh thái.
Nhóm nghiên cứu cho biết rất có khả năng các nghiên cứu đã đánh giá thấp tác động của tiếng ồn, nhưng cảnh báo rằng nghiên cứu của họ không kiểm tra xem các tác động này có lợi hay có hại cho loài hay không. Theo các tác giả, những cân nhắc như vậy rất phức tạp – chẳng hạn, tiếng ồn làm gián đoạn việc săn bắn có thể mang lại lợi ích cho con mồi trong khi tạo ra khó khăn cho động vật săn mồi.
“Ngay cả khi một số động vật được hưởng lợi, điều đó không có nghĩa là tiếng ồn không nên được xử lý, vì phần lớn sẽ gặp các tác động tiêu cực và nó có thể gây ra sự phá vỡ hệ sinh thái”, Kunc nói.
“Chúng tôi luôn nói về BĐKH, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm nhựa và hủy hoại môi trường sống, nhưng tiếng ồn, đặc biệt là ở khu vực thành thị cũng có thể có tác động tiêu cực đến động vật” – Kunc cho biết thêm.
Andrew Radford, một nhà sinh vật học tại đại học Bristol, Anh, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết các loài hoặc quần thể cụ thể có thể phải đối mặt với các tác động khác nhau - trong khi một số loài hoặc quần thể có thể tránh xa tiếng ồn, một số khác có thể không, mặc dù động vật có thể chịu đựng căng thẳng tốt hơn những loài khác. Thậm chí thực vật có thể bị ảnh hưởng nếu các loài thụ phấn di chuyển đi vì tiếng ồn.