Thành phố “đáng sống” trên hành trình chuyển đổi xanh
(TN&MT) - Chọn môi trường làm nền tảng tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi xanh, tạo sự cân đối, hài hòa giữa con người và thiên nhiên đang là mục tiêu mà “Thành phố đáng sống” đang theo đuổi.
Với quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Đà Nẵng đã hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2014- 2020” của Chính phủ, bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.
Xây dựng khu công nghiệp xanh
Là thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 - 3 khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, đến năm 2045 cơ bản đạt được các tiêu chí của thành phố tuần hoàn. Hiện, nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã chuyển đổi các mô hình kinh tế xanh, xây dựng ý thức về lối sống xanh cho người lao động.
Ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh) cho biết, đơn vị thường xuyên đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. “Hiện nay, mỗi ngày, với khoảng 70 tấn giấy sản xuất thành phẩm, công ty chỉ thải ra trung bình 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng”.
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, qua 4 năm triển khai thực hiện, tại KCN Hòa Khánh, dự án đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm, giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.
Ông Vũ Quang Hùng - Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, đơn vị xác định, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là xu thế tất yếu trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để ảnh hưởng của các KCN đến môi trường tự nhiên và tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do đó, năm 2023, Ban Quản lý sẽ phối hợp với Vụ Quản lý các khu kinh tế thí điểm bộ chỉ số KCN sinh thái nhằm xác định các tiêu chí chưa đạt yêu cầu để sớm đề ra giải pháp thực hiện. Trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường theo ủy quyền của UBND thành phố, Ban Quản lý cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng một số giải pháp sản xuất sạch hơn.
Song song với việc xây dựng các khu công nghiệp xanh, thu hút các doanh nghiệp sản xuất bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, Đà Nẵng cũng tập trung vào KTTH để luân chuyển chất thải của dự án này sang làm nguồn nguyên liệu của dự án khác hướng đến sự phát triển bền vững. Từ đó, tạo một nền tảng cho cách ứng xử với môi trường mà các doanh nghiệp khi đầu tư vào thành phố phải cân nhắc cẩn trọng.
Giao thông xanh
Giao thông xanh công cộng là một trong những xu hướng mới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh. Việc giảm phát thải và phát triển giao thông xanh được cụ thể hóa trong Đề án Thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, 1 trong 4 nhóm tiêu chí đã đưa ra những lộ trình rất cụ thể về phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường.
Theo kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước với tổng điểm là 79,82 điểm. Đây là “quả ngọt” mà thành phố gặt hái được từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 15 năm xây dựng “Thành phố môi trường”.
Năm 2022, thành phố cùng 2 đô thị lớn của cả nước đã triển khai chương trình nghiên cứu xây dựng đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Chương trình này áp dụng chính sách kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Qua chương trình, đã kiểm tra khí thải trước bảo dưỡng cho khoảng 3.754 xe máy có tuổi đời trên 5 năm, trong đó có tới hơn 25% xe không đạt tiêu chuẩn.
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng nhìn nhận, khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang là vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị mà TP. Đà Nẵng cần tầm soát trước khi trở thành vấn nạn. Địa phương sẽ tuyên truyền vận động với mục tiêu cuối là giảm lượng khí thải lồng ghép với đề án giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân của ngành Giao thông vận tải, có nghĩa là giảm về số lượng và giảm tối đa các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông.
Nằm trong nỗ lực phát triển giao thông thân thiện môi trường, mới đây, Đà Nẵng vừa đưa vào thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nhằm giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, TP. Đà Nẵng đang triển khai thí điểm mô hình xe đạp công cộng với 61 trạm (khoảng 600 chiếc xe đạp) được lắp đặt ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà nhằm kết nối với hệ thống vận tải công cộng để người dân và du khách thuận tiện sử dụng. Ngay lập tức, dự án được đông đảo người dân, du khách quan tâm, ủng hộ. Chị Mai Hân - du khách từ Hà Nội cho rằng, việc đạp xe trải nghiệm quanh thành phố biển sẽ giúp du khách khám phá được nhiều điều hơn. Chị mong muốn mô hình này được duy trì lâu dài, trở thành thói quen tốt cho mọi người dân và du khách.
Quản lý chất thải bền vững
Theo kết quả điều tra của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, lượng phát sinh chất thải rắn trung bình trên địa bàn mỗi ngày khoảng 1.100 tấn, chủ yếu là rác thải nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Kết quả nghiên cứu của Dự án Khép kín vòng lặp về ô nhiễm rác thải nhựa tại Đà Nẵng cho thấy, rác thải nhựa trên địa bàn thành phố bị thất thoát ra ngoài môi trường 6.752 tấn (8%), chủ yếu do vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 1.568 tấn rác thải nhựa không được thu gom. Chỉ duy nhất bãi rác Khánh Sơn xử lý khoảng 95% lượng chất thải rắn đô thị với hình thức chủ yếu là chôn lấp.
Trước thực trạng này, Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025; Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…
Bà Nguyễn Thị Kim Hà - Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) cho biết, sau thời gian tích cực triển khai phân loại rác thải tại nguồn, thành phố có được những kết quả đáng khích lệ, khởi đầu chặng đường mới xây dựng Thành phố môi trường.
Sau hơn 2 năm thực hiện phân loại rác tại nguồn, thành phố đã thu gom được 1.500 tấn rác tài nguyên, mang lại hơn 3 tỷ đồng cho các hội, đoàn thể từ bán rác tài nguyên. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị, hội, đoàn thể đã thu được 3,34 tấn rác nguy hại và 1.100 tấn rác có kích thước lớn, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Hiện, đã có 63% tổng số hộ gia đình, 83% tổng số tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã tham gia phân loại rác. Năm 2023, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu có hơn 90% số tổ dân phố triển khai phân loại rác, và 90% số hộ gia đình phân loại rác hiệu quả tại địa bàn khu dân cư.
Đà Nẵng là thành phố năng động hàng đầu về phát triển kinh tế, du lịch của khu vực miền Trung nên chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, với định hướng chiến lược của thành phố là tăng trưởng kinh tế phải song hành vấn đề giữ gìn môi trường, tin tưởng rằng, Đà Nẵng sẽ sớm đạt được tham vọng Thành phố môi trường, tăng trưởng xanh và bền vững hàng đầu của khu vực duyên hải miền Trung.