Thanh, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên môi trường: Cần tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm

Trường Giang| 21/01/2021 09:41

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước.

Thực hiện 641 cuộc thanh tra, kiểm tra

Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 641 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4.253 tổ chức; trong đó có 23 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, 618 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện 111 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và tổ chức 50 đoàn giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 751 tổ chức với tổng số tiền là 143 tỷ 740 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước 803 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về tài nguyên và môi trường, nhất là về lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản… làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện một số bất cập của các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường... trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.

Ngoài ra, từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, đã giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhận thức và chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, trong công tác thanh, kiểm tra vẫn còn một số tồn tại như việc triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra còn chậm so với thời gian ghi trong kế hoạch, chất lượng một số báo cáo kết quả kiểm tra còn hạn chế.

 Bên cạnh đó, do chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ cùng với việc nắm bắt các thông tin dữ liệu của các đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn thiếu và yếu, dẫn đến việc đề xuất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm còn có một số nội dung chưa "đúng", “trúng” các vấn đề bức xúc, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Việc kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra nói chung, nhất là việc theo dõi, đôn đốc các tổ chức chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức dẫn đến các tổ chức, cá nhân có vi phạm chưa chấp hành triệt để nhưng không được xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt là việc trao đổi, cập nhật thông tin về tình trạng vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn chậm, đã dẫn đến một số hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận…

Lý giải nguyên nhân của các tồn tại này, ông Lê Vũ Tuấn Anh cho rằng, lực lượng làm công tác thanh tra tại Bộ còn mỏng, còn thiếu về trang thiết bị; bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, nhiệm vụ đột xuất, còn phải tham gia các đoàn công tác liên ngành do các Bộ, ngành khác chủ trì nên nhiều việc xử lý chậm tiến độ. 

Một số đơn vị chưa thực sự chú trọng đến công tác tổng kết, rút kinh nghiệm sau thanh tra, kiểm tra, chưa quan tâm đến công tác tổng hợp, báo cáo, dẫn đến việc chậm trễ báo cáo định kỳ và chất lượng báo cáo không đáp ứng được yêu cầu.

 

Tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra, ông Lê Vũ Tuấn Anh đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Đổi mới phương thức trong chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm về tài nguyên và môi trường; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; tăng cường công tác giám sát các đoàn thanh tra và công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, các quyết định xử lý vi phạm hành chính qua thanh tra, các thông tin khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị được chuyển về địa phương.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ cần chủ động, linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp con người và nguồn lực cho công tác thanh tra tương xứng với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh và yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước; tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng với những thay đổi của chính sách và tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác thanh tra.

Tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn với địa phương; sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Tăng cường chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm sau thanh tra và tập trung đầu tư cho công tác xây dựng báo cáo định kỳ đảm bảo đúng thời hạn và có chất lượng; có cơ chế về tài chính để ưu tiên phân bổ khoản kinh phí dự phòng phục vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng thanh tra, kiểm tra và liên tục cập nhật thông tin, thường xuyên trao đổi giữa Bộ TN&MT với các Sở TN&MT để phục vụ công tác theo dõi, tổng hợp xây dựng kế hoạch hàng năm.

Trong năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện được 137 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 461 tổ chức; trong đó, cụ thể: Có 2 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, 113 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, 22 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, ngoài ra, tổ chức thực hiện giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra theo quy định. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 106 tổ chức với tổng số tiền là 17 tỷ 234 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên môi trường: Cần tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO