Kinh tế

Thạnh Hóa từng bước đổi thay

Bạch Thanh 27/06/2024 - 19:03

(TN&MT) - Là huyện “cửa ngõ” vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, Thạnh Hóa sở hữu những cánh đồng bát ngát, thơm nồng hương lúa chín vào mùa; cùng hệ thống sông rạch bủa giăng với những cánh rừng tràm trải rộng, vườn cây trái sum suê, thiên nhiên trù phú… tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ yên bình, thơ mộng.

h1.jpg
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (đứng giữa) thăm mô hình trồng cây ăn trái của người dân địa phương

Giữa trưa hè tháng sáu, chúng tôi có dịp xuôi về vùng quê sông nước Thạnh Hóa, Long An. Trở lại lần này, chúng tôi cảm nhận nơi đây đang dần “thay da đổi thịt”, như khoác lên mình chiếc áo mới. Có được những đổi thay ấy chính là nhờ vào chính sách đầu tư phát triển kinh tế, nhất là người dân địa phương biết chung sức, chung lòng, cùng nhau xây dựng quê hương làm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mã Thanh Thảo là Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạnh Hóa kể: Trước đây, địa phương gặp muôn vàn khó khăn như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, hầu hết bị nhiễm phèn nặng, trong khi các công trình thủy lợi nội đồng vừa thiếu, vừa xuống cấp. Hệ thống hạ tầng yếu kém. Giao thông bộ bị chia cắt, giao thông thủy chủ yếu dựa vào các tuyến sông rạch chính. Trường học, trạm xá đều trong tình trạng tạm bợ. Công trình cung cấp nước sạch hầu như không có. Các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Trong khi đó, lũ lụt lại thường xuyên diễn ra, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân.

Thế nhưng, bằng sự quyết tâm cao, chính quyền và nhân dân Thạnh Hóa đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện đầu tư hệ thống giao thông nông thôn cũng như các công trình tưới tiêu phát triển tương đối toàn diện; việc thực hiện cơ giới hoá trong nông nghiệp ngày càng mở rộng; đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đang dần phát triển theo hướng đa dạng với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống người dân.

h2..jpg
Thạnh Hoá đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn nhiệm vụ với bảo vệ môi trường

Từ lời giới thiệu của chị Thanh Thảo, qua thực tế ở từng địa phương chúng tôi hiểu được rằng, thời gian qua, tuy là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Long An nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên nông dân nơi đây đã chủ động chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần trên cùng một đơn vị diện tích.

Điển hình như, gia đình ông Huỳnh Văn Thủy ở ấp 4 xã Tân Tây có 4ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây sản xuất lúa giá cả bấp bênh, ông bắt đầu chuyển đổi với 0,5ha sang trồng cây mai vàng. Qua 3 - 4 năm trồng và chăm sóc, cây mai bán ra có giá khá cao, lợi nhuận đạt khoảng 01 tỷ đồng, cao rất nhiều so với làm lúa. Thấy được hiệu quả từ cây mai, ông tiếp tục đầu tư và trồng hết 3,5ha còn lại. Thời gian sau đó cây mai cho kinh tế khá tốt, gia đình ông có cuộc sống khấm khá, xây được nhà mới khang trang.

Tuy vậy, mấy năm gần đây, trên địa bàn xã cũng như nhiều địa phương khác cũng đầu tư trồng mai vàng nên hiệu quả kinh tế giảm dần. Trước tình hình đó, ông Thủy suy nghĩ tìm giải pháp cho khu đất trồng mai của gia đình có hiệu quả không chỉ thương phẩm mà có cả giá trị kinh tế lâu dài. Với quyết tâm vươn lên làm giàu, vào đầu năm nay ông Thủy tham gia chuỗi du lịch nông thôn để tìm cơ hội mới. Ngoài ra, gia đình ông vẫn tiếp tục duy trì 4ha mai vàng hiện có, tuy lợi nhuận không còn cao như trước, song vẫn đạt khá hơn so với việc trồng lúa.

h3.jpg
Đời sống người dân khấm khá nhờ các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn

Còn với ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp 4, xã Tân Hiệp sau hàng chục năm gắn bó với cây lúa vẫn không khấm khá do đất đai còn cằn cỗi, hạ tầng hạn chế, đến năm 2018 ông đã mạnh dạn chuyển dần sang trồng cây sầu riêng. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, đến nay vườn sầu riêng với 800 cây của ông đã cho những đợt thu hoạch đầu tiên, mang lại nguồn thu nhập cao. Theo ông Sáu, vì vườn sầu riêng chưa cho trái đồng loạt nên ông chưa thống kê thu nhập chính xác nhưng ước tính vẫn cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần.

Làm việc với chính quyền địa phương, chúng tôi được biết, xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, Thạnh Hóa đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích gieo sạ lúa hàng năm của huyện trên 40 ngàn ha, tổng sản lượng đạt trên 220 ngàn tấn/năm; cùng với cây lúa là hàng ngàn ha cây nông nghiệp chủ lực khác như: khoai mỡ, khóm, chanh… cũng cho lợi nhuận tương đối khá.

Hơn nữa, nhằm tạo sự đột phá về tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, Thạnh Hóa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Song song đó, huyện cũng huy động nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

h4..jpg
Một điểm du lịch nông thôn tại làng mai Tân Tây

Ngoài ra, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội. Rồi từ các dự án, tiểu dự án giảm nghèo đã giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản, nguyện vọng chính đáng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Thạnh Hóa chỉ còn 0,83%; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%”.

Ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa chia sẻ, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, huyện tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; cải tạo vườn tạp, trồng cây có giá trị kinh tế cao; đồng thời chỉ đạo quyết liệt thi công hoàn thành các công trình đã khởi công, dự án giao thông nông thôn và các công trình xây dựng cơ bản đúng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm.

Còn khi được hỏi về giải pháp trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường, ông Phạm Tùng Chinh cho biết, trước mắt địa phương sẽ tập trung thực hiện theo bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới. Theo ông, đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm để huyện cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường song song với an sinh xã hội, phát triển bền vững.

h5..jpg
Thạnh Hóa đang khoác lên mình chiếc áo mới

Nhiệm vụ kế đến là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn mặn. Cùng với đó, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường, cải thiện khí hậu, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết, chuỗi giá trị; sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, huyện khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tăng cường liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung vào ngành, lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng. Đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội…

Thực tế cho thấy, sau những nỗ lực bứt phá vươn lên, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Thạnh Hóa từng bước được cải thiện và nâng cao; cơ sở hạ tầng, đường sá được đầu tư mở rộng, nhà cửa khang trang; diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc. Sức sống mạnh mẽ ấy bắt nguồn từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong đột phá về tăng trưởng kinh tế, mà trên hết là chính quyền và người dân cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng quê hương phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạnh Hóa từng bước đổi thay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO