Tài nguyên

Thanh Hóa sử dụng hiệu quả tài nguyên nước để phát triển bền vững

Thu Thủy (thực hiện) 12/10/2023 - 10:25

(TN&MT) - Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đang được tỉnh Thanh Hóa chú trọng thực hiện. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa xung quanh nội dung này.

o-hoanh.jpg
Ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa

PV: Xin ông cho biết đôi nét về tiềm năng, lợi thế tài nguyên nước của Thanh Hóa?

Ông Phạm Văn Hoành: Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên nước phong phú, đa dạng và phức tạp. Trong đó, nguồn nước ngầm với 4 tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích đệ tứ và 22 tầng chứa nước trong khe nứt - Karst phân bố toàn tỉnh, đặc biệt phía Tây Thanh Hóa. Tổng trữ lượng 4 tầng chứa nước chính là 413.000 m3/ngày, phân bố không đồng đều. Riêng tầng chứa nước khe nứt - Karst chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ. Do đó, tiềm năng khai thác nước ngầm là rất lớn, từ xa xưa, nguồn nước ngầm đã là nguồn cung cấp chính cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nước dưới đất đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Về nước mặt, trên địa phận tỉnh Thanh Hóa có 4 hệ thống sông chính là sông Mã, Bạng, Yên, Hoạt, tổng lượng nước trung bình hằng năm là 19, 52 tỷ m3. Sông, suối tại tỉnh Thanh Hóa chảy qua nhiều vùng địa hình phức tạp, là tiềm năng khai thác thủy điện lớn. Tổng lượng nước trung bình hàng năm của hệ thống sông chính là 19,5 tỷ m3 so với tổng lượng dòng chảy trung bình trên địa bàn tỉnh từ 20 - 21 tỷ m3 hàng năm của toàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 610 hồ chứa và 1023 đập dâng. Hệ thống hồ chứa nước quan trọng cấp quốc gia và cấp tỉnh hiện có: Hồ sông Mực dung tích 174 triệu m3; Hồ Yên Mỹ 87 triệu m3; Hồ Đồng Ngư 764 triệu m3; Hồ Duồng Cốc 615 triệu m3; Hồ Cửa Đạt 1,45 tỷ m3.

Các nguồn nước trên đang được khai thác, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như: Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu trong nông nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, giao thông vận tải thủy, là sinh cảnh quan trọng cho hệ sinh thái động thực vật, trong đó động vật hoang dã quý hiếm...

anh-2-tnn.jpg
Thanh Hóa chú trọng bảo vệ nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội

PV: Được biết, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đến nay, kết quả đã đạt được như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hoành: Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước, cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở TN&MT Thanh Hóa ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước. Tính riêng trong năm 2022, các đơn vị chức năng của Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về tài nguyên nước đối với 10 tổ chức có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chức năng của Sở TN&MT đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện công tác đo triều mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Kết quả đo triều mặn đã bổ sung chuỗi số liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, tính toán dự báo xâm nhập mặn phục vụ công tác chống hạn. Kết quả thực đo được gửi tới các ngành, địa phương liên quan trong tỉnh để có kế hoạch khai thác, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cấp phép hoạt động tài nguyên nước cũng được ngành đặc biệt quan tâm.

Đến nay, ngành đã thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 45 giấy phép hoạt động tài nguyên nước; chấm dứt hiệu lực 6 giấy phép khai thác và sử dụng nước, trong đó có 5 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 1 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do chủ giấy phép không có nhu cầu tiếp tục sử dụng. Tổ chức thực hiện cắm 393 mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên 18 đoạn sông, góp phần nâng tổng số mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm trong toàn tỉnh theo Quyết định số 5282/QĐ-UBND của UBND tỉnh lên 1.125 mốc trên 41 đoạn sông, suối đã phê duyệt.

PV: Để đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thời gian tới, Thanh Hóa sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hoành: Thời gian tới, Sở TN&MT Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Nâng chất lượng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và chất lượng công tác tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý. Tiếp tục thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả đo triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Lạch Bạng năm 2023 theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Sở TN&MT sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch “Điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá sức chịu tải của các hệ thống sông lớn tỉnh Thanh Hóa”; thực hiện Dự án “Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh”; lập Đề cương nhiệm vụ “Lập danh mục, phê duyệt và thông báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh”;...

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Lập, ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” theo đề cương chi tiết được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa sử dụng hiệu quả tài nguyên nước để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO