Thanh Hóa sau 2 năm thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP: Xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân vi phạm

Nguyễn Dũng (thực hiện)| 21/04/2022 09:52

(TN&MT) - Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh Hóa là một trong những tỉnh trong cả nước đã ban hành Kế hoạch sớm nhất nhằm triển khai sâu, rộng và thường xuyên Nghị định.

Đặc biệt, tỉnh đã khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần đưa công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông đi vào nền nếp, khắc phục tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép; hạn chế tối đa việc sạt lở 2 bên bờ sông, bảo vệ bờ bãi sông, hệ thống đê điều...

Để hiểu rõ về những giải pháp thực hiện, phóng viên Báo TN&MT có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trên các dòng sông ở Thanh Hóa?

Ông Lê Đức Giang:

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều sông, suối, trong đó có 2 hệ thống sông lớn là sông Mã và sông Chu. Dọc theo 2 tuyến sông này được hình thành một số mỏ cát, sỏi. Căn cứ nhu cầu về cát, sỏi phục vụ các công trình trên địa bàn, những năm qua, Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch và cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường.

anh-1-o-le-duc-giang-pct-ubnd-tinh-thanh-hoa.jpg
Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 117 mỏ, điểm mỏ cát sỏi với trữ lượng khoảng 13,11 triệu m3; tổng diện tích 490ha và 0,7 triệu m3 sỏi; 4 tuyến sông cần nạo vét có trữ lượng khoảng 0,5 triệu m3. Trữ lượng bụi lắng đến năm 2030 trên các tuyến sông dự kiến đạt khoảng 10,8 triệu m3. 4 khu vực nạo vét tại các cửa sông, cửa biển (cát nhiễm mặn), tổng trữ lượng dự báo khoảng: 1,4 triệu m3; Trữ lượng bụi lắng khu vực cửa sông đến 2030 đạt khoảng 0,9 triệu m3. Có 96 vị trí bãi tập kết cát, tổng diện tích khoảng 91,1ha.

Trước đây, việc khai thác cát, sỏi lòng sông thường xảy ra lộn xộn, cát tặc thường hoạt động vào ban đêm, tàu hút cát không đăng ký, đăng kiểm… nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Trưởng phòng TN&MT, Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, Trưởng Công an xã tại một số địa phương như: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Quan Hóa, thị xã Nghi Sơn, Ngọc Lặc và TP. Thanh Hóa. Từ năm 2017 đến nay, đã xử lý là 386 vụ, tổng số tiền đã phạt là 8,36 tỷ đồng và khởi tố 4 đối tượng.

PV: Để thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã có những giải pháp nào trong công tác chỉ đạo?

Ông Lê Đức Giang:

Triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 17/4/2020; Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021; Công văn số 7474/UBND-CN ngày 10/6/2020; Công văn số 6180/UBND-CN ngày 11/5/2021; Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 11/01/2021…

Đồng thời, giao các sở, ngành, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi     sông trên địa bàn theo quy định của pháp luật; vận động nhân dân không được khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Cùng với việc ban hành Kế hoạch số 95, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 phê duyệt Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Quyết định đã thông tin các khu vực mỏ được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Các khu vực khai thác đã kết thúc, đóng cửa mỏ để bảo vệ; Các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Thông tin về trữ lượng cát, sỏi lòng sông được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018; Trữ lượng cát, sỏi lòng sông được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4343/QĐ-UBND ngày 14/10/2020.

Một số huyện như: Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định... đã chủ động thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn. Do đó, hiện nay, tình trạng khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được chấn chỉnh.

PV: Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ gì nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của các sở, ban, ngành, địa phương thưa ông?

Ông Lê Đức Giang:

Để triển khai có hiệu quả Nghị định 23, Tỉnh sẽ giao trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh. Trách nhiệm của Giám đốc Sở TN&MT: Phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản; Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc xử lý các hoạt động khai thác, tập kết trái phép cát, sỏi trái phép; trường hợp cấp huyện không giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định; giám sát việc chấp hành pháp luật trong quá trình khai thác của đơn vị được cấp phép; các đơn vị sau khi được thuê đất để tập kết, kinh doanh cát, sỏi; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý đối với các trường hợp vi phạm; rà soát các mỏ hết hạn để yêu cầu các đơn vị làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đấu giá quyền khai thác, cấp phép hoạt động khoáng sản, cho thuê đất để khai thác mỏ và làm bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi;

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển nhượng các bãi tập kết, kinh doanh cát; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan xử lý các trường hợp vận chuyển cát, sỏi quá tải trọng và không rõ nguồn gốc hợp pháp.

anh-5.jpg

Hoạt động khai thác cát, sỏi trên các dòng sông đã dần đi vào nền nếp.

Trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình, tổ chức lực lượng chốt chặn tại các điểm phức tạp về khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh cát, sỏi trái phép. Xử lý kịp thời các đối tượng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; các đối tượng mua, bán cát không có nguồn gốc hợp pháp; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi không có đăng ký, đăng kiểm; các phương tiện vận chuyển cát, sỏi không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, chở quá khổ, quá tải. Lập án đấu tranh, khởi tố hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; thông báo cho chính quyền địa phương biết khi phát hiện và xử lý đối tượng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của UBND huyện, cấp xã trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa sau 2 năm thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP: Xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO