Thanh Hóa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản - những thành tựu quan trọng sau “luồng gió mới”: Kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 để phù hợp với tình hình phát triển mới

Nguyễn Dũng (thực hiện)| 21/07/2022 10:03

(TN&MT) - Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thời gian thi hành, Luật Khoáng sản còn bộc lộ nhiều bất cập cần bổ sung, sửa đổi. Xung quanh vấn đề kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 để phù hợp với tình hình phát triển mới, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa.

PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác khoáng sản trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực ở Thanh Hóa?

Ông Phạm Văn Hoành: Trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, hoạt động khoáng sản được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005; Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 41 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khoáng sản năm 2005 quy định về khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và Tại điểm b Khoản 1 Điều 56 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động khoáng sản quy định: Trường hợp cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ cát, sỏi lòng sông thì thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép của UBND tỉnh với công suất khai thác không quá 100.000m3/năm và thời gian khai thác, kể cả thời gian gia hạn không quá 5 năm thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản.

anh-1-ong-pham-van-hoanh-pgd-so-tn-mt-thanh-hoa.jpg
Ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, việc cấp phép nêu trên có các tồn tại như: Trữ lượng, chất lượng khoáng sản chưa được thăm dò, đánh giá, diện tích mỏ nhỏ nên khai thác dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao do không thể mở đường lên núi, các doanh nghiệp khai thác hàm ếch, nổ mìn cống, do đó đã có một số mỏ để xảy ra tai nạn lao động. Việc cấp phép với thời gian ngắn nên các doanh nghiệp không dám đầu tư lớn.

PV: Sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, Thanh Hóa đã triển khai như thế nào và việc khai thác khoáng sản có tác động ra sao đến phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

Ông Phạm Văn Hoành: Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động khoáng sản là phải phù hợp với Quy hoạch khoáng sản (Điều 4), việc cấp phép khai thác khoáng sản phải dựa vào trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ (Điều 53). Do đó việc cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đã giải quyết được các tồn tại của Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005.

Đối với các doanh nghiệp được cấp phép trước đó, Sở TN&MT đều yêu cầu phải thăm dò, đánh giá trữ lượng để cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Nhiều doanh nghiệp có mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác có đề nghị được mở rộng mỏ nhằm có diện tích đủ rộng để làm đường lên vị trí cao nhất của mỏ, khai thác theo lớp bằng từ cao xuống thấp đảm bảo an toàn lao động.

Sau 12 năm thực hiện, Luật Khoáng sản 2010 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên cả nước và địa bàn Thanh Hóa nói riêng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, còn một số bất cập, chưa hợp lý và thiếu đồng bộ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch đưa vào đấu giá 28 mỏ cát, sỏi tại các dòng sông, thu về ngân sách địa phương được khoảng 150 tỷ đồng. Ngày 14/7/2021, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đấu giá quyền khai thác khoáng sản 53 mỏ tại Công văn số 10159/UBND-CN trong giai đoạn 2022 - 2025. Hiện Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá 17 mỏ để đấu giá năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 7 mỏ. Sở TN&MT đang phối hợp với các ngành, địa phương để xây dựng Phương án đấu giá trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức đấu giá.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn trong thi hành Luật Khoáng sản 2010 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và hướng giải quyết?

Ông Phạm Văn Hoành: Luật Khoáng sản năm 2010 có nhiều nội dung cụ thể như: quy định về Giám đốc điều hành mỏ; việc cấp phép khai thác khoáng sản trong khu vực dự án đầu tư xây dựng công trình; các quy định về thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) trong cấp phép hoạt động khoáng sản. Trong đó đặc biệt có quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là những quy định mới và đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với lĩnh vực khai khoáng.

anh-3(1).jpg

Tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản.

Về giải phóng mặt bằng khu vực mỏ: Theo Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không quy định khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải là mặt bằng sạch. Tuy nhiên, tại Điều 62 Luật Đất đai quy định: “Dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh không thuộc dự án thu hồi đất”. Như vậy, khi đấu giá xong, đơn vị trúng đấu giá triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để lập hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác và thuê đất nhưng không thỏa thuận được với các hộ dân có đất để hoàn thiện hồ sơ thuê đất thực hiện dự án thăm dò, khai thác khoáng sản.

Về trữ lượng khoáng sản khu vực chưa thăm dò đưa ra đấu giá: Theo Luật Khoáng sản quy định hình thức đấu giá ở khu vực chưa thăm dò. Nghĩa là đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong mỏ mới được đánh giá ở cấp tài nguyên dự báo, do đó có nhiều mỏ khi thăm dò xong nhưng trữ lượng khoáng sản không có hoặc quá ít không đủ để lập dự án đầu tư khai thác…

Quy trình cấp phép còn nặng về TTHC, mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ. Đối với các mỏ khoáng sản do UBND tỉnh cấp chủ yếu là đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường, đất làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn và chủ yếu là phục vụ các dự án sử dụng NSNN như: Các dự án giao thông, đê điều, các công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới... được triển khai với thời gian rất gấp rút. Do đó, nếu thực hiện đúng quy trình cấp phép sẽ kéo dài thời gian không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến khan hiếm nguồn vật liệu làm tăng giá thành đầu vào công trình và ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản - những thành tựu quan trọng sau “luồng gió mới”: Kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 để phù hợp với tình hình phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO