Thanh Hóa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản - những thành tựu quan trọng sau “luồng gió mới”: Đấu giá tài nguyên khoáng sản công khai để phát triển kinh tế - xã hội

Thu Thủy - Thanh Tâm| 21/07/2022 10:05

(TN&MT) - Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Thanh Hóa đã tăng cường công tác thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch nhằm tăng thu ngân sách cho Nhà nước, góp phần đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước (QLNN) về khai thác khoáng sản.

Khai thác khoáng sản bền vững

Sau khi Luật Khoáng sản được ban hành và có hiệu lực, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLNN về tài nguyên khoáng sản, để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Như Quyết định 3014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong công tác QLNN về tài nguyên khoáng sản; Quyết định 1285/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị QLNN trong công tác quản lý khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn.

anh-2(1).jpg

Thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai để tăng thu ngân sách.

Nhìn chung, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh, nhất là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp có khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tăng thu ngân sách

Nhằm tăng thu ngân sách cho Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 98/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Từ đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ hoạt động đấu giá đã được triển khai có hiệu quả tại các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu NSNN đối với lĩnh vực khai khoáng. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được cụ thể hóa tại Luật Khoáng sản và các Nghị định.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, trong thời gian tới sở tiếp tục chỉ đạo rà soát việc chấp hành lắp đặt trạm cân và camera để giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ để kiểm tra việc khai thuế của doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bốc xếp, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng thiết kế của phương tiện vận tải, xuất hóa đơn để tránh thất thu thuế; đồng thời yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

Hiện nay UBND tỉnh đã cấp: 558 giấy phép khai thác; 292 giấy phép thăm dò; đóng cửa: 163 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, Giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn là 320; cấp phép thăm dò, thăm dò mở rộng, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 107 mỏ (hiện chưa cấp phép khai thác).

Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác mỏ theo thẩm quyền đối với các đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra, đã chỉ ra các sai phạm nhưng không khắc phục; xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng các quy định về quản lý khoáng sản; thu hồi các mỏ đã được cấp phép nhưng nhiều năm chưa đưa vào khai thác. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu hút các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản.

Để Luật tiếp tục phát huy hiệu quả

Làm gì để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản trong thời gian tới là câu hỏi mà PV Báo TN&MT đặt ra với Lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh và hiệp hội đá Thanh Hóa.

Ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn: Bảo vệ tốt khoáng sản chưa khai thác

Trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 32 mỏ đã được cấp giấy phép, trong đó: có 23 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 8 mỏ đất san lấp (trong đó có 6 mỏ đã hết hạn khai thác, 2 mỏ còn hạn khai thác); 1 mỏ cát nhiễm mặn.

resize_images5747103_1(1).jpg
Ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn

UBND thị xã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, tập kết và kinh doanh khoáng sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, an toàn lao động và an ninh… nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn thị xã. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, tập kết, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép; chấn chỉnh công tác QLNN về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các xã, phường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và BVMT.

Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành khai thác mỏ như: ký hợp đồng thuê đất, lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết BVMT, ký quỹ môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trong quá trình khai thác đã tổ chức khai thác đúng vị trí, diện tích được cấp phép, chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường và các quy định của địa phương; thực hiện việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí BVMT theo quy định; các mỏ khai thác đất san lấp, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đều ưu tiên phục vụ các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định: Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Thời gian qua, UBND huyện Yên Định đã tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TN&MT và của UBND tỉnh Thanh Hóa trong quản lý hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản; từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN trong hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện, cụ thể:

Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ban hành công văn về tăng cường công tác QLNN về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn theo chức năng nhiệm vụ được giao của từng ngành, đơn vị và địa phương nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

anh-6-ong-nguyen-van-binh-pho-chu-tich-ubnd-huyen-yen-dinh.jpg
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định

Do đó, việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tương đối tốt, các doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục đầy đủ về BVMT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với khoáng sản chưa khai thác, được UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ theo quy định, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện, các xã, thị trấn thực hiện tương đối tốt trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương, nhất là việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tàu thuyền hút trộm cát trên sông Mã.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch Hiệp hội đá Thanh Hóa: Phải đổi mới công nghệ khai thác, tăng hiệu quả sản xuất

Sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, Hiệp hội đá đã tổ chức nhiều Hội nghị để phổ biến quán triệt các doanh nghiệp (DN) hội viên thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản 2010 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, cơ bản các DN chấp hành tốt Luật Khoáng sản 2010, khai thác đảm bảo an toàn, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

anh-5-ong-nguyen-van-tho-chu-tich-hep-hoi-da-thanh-hoa.jpg
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch Hiệp hội đá Thanh Hóa

Từ năm 2015, Hiệp hội đã tổ chức cho các DN hội viên đi tham quan học tập kinh nghiệm và công nghệ khai thác ở các tỉnh: Yên Bái, Nghệ An, Phú Yên, Gia Lai… và nước ngoài như: Trung Quốc, Ấn Độ… để áp dụng công nghệ cắt dây kim cương đối với các mỏ có tận thu đá khối để xẻ đá lát lề đường, vỉa hè, sân vườn…

Việc áp dụng công nghệ cắt dây tiên tiến đã tăng hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giảm thiểu tối đa tác động môi trường, tiết kiệm tài nguyên, làm tăng giá trị tài nguyên. Kể từ thời điểm áp dụng công nghệ cắt dây, tỷ lệ đá khối để xẻ của các doanh nghiệp tận thu được khoảng từ 2 - 10%.

Bên cạnh đó, việc triển khai Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định hướng dẫn thi hành còn một số khó khăn. Đơn cử, tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định lắp đặt trạm cân đối với các mỏ đá là chưa phù hợp. Bởi vì: Việc bán hàng sản phẩm đá được tính trên mét vuông, mét khối. Doanh nghiệp khai thác đá đã tính nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như: Tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí BVMT là trên mét khối, chứ không phải tấn hoặc kg, nếu đặt trạm cân thì phải điều chỉnh lại thiết kế khai thác mỏ. Việc đặt 1 trạm cân đòi hỏi chi phí lớn trong khi không mang lại hiệu quả sử dụng cho doanh nghiệp cũng như công tác QLNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản - những thành tựu quan trọng sau “luồng gió mới”: Đấu giá tài nguyên khoáng sản công khai để phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO