Thanh Hóa: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng huyện Thường Xuân

Hoàng Anh| 05/12/2020 08:47

(TN&MT) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 5126/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án được thực hiện trên tổng diện tích 23.815,5 ha thuộc Khu BTTN Xuân Liên. Mục tiêu của Dự án nhằm khai thác, tạo điều kiện để Nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, thông qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quy hiếm trong khu vực; xác định được hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; danh lam thắng cảnh và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên; xây dựng các tuyến, các điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên làm cơ sở để lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên; thu hút các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, quảng bá, thương mại tăng lượng khách, tạo việc làm, tăng lao động qua đào tạo; tạo môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong Khu BTTN Xuân Liên.

Thanh Hóa phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên. (Ảnh minh họa)

Theo Đề án, dự kiến đến năm 2025 sẽ thu hút trên 45.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 5.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách lưu trú đạt khoảng 16.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 25.300 triệu đồng. Có ít nhất 40 cơ sở lưu trú du lịch tại cộng đồng, mỗi cơ sở có thể phục vụ ăn nghỉ cho 30 - 50 khách du lịch; 90% số cơ sở đều có nhà vệ sinh tự hoại, 3 nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thu gom rác và nước thải. Tạo việc làm thường xuyên cho 1.350 lao động trong đó có khoảng 340 lao động trực tiếp, 1.010 lao động gián tiếp; các lao động đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Các điểm du lịch, tuyến và điểm thăm quan đạt và tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Qua đó, tạo tiền đề đến năm 2030 thu hút trên 110.000 lượt khách du lịch trong đó có khoảng 10.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách ở lại lưu trú đạt trên 48.500 lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 83.250 triệu đồng; Có ít nhất 50 cơ sở lưu trú du lịch tại cộng đồng, mỗi cơ sở có thể phục vụ ăn nghỉ cho 30-50 khách du lịch; 100% số cơ sở đều có nhà vệ sinh tự hoại, nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thu gom rác và nước thải. Tạo việc làm thường xuyên cho 3.300 lao động trong đó có 990 lao động trực tiếp, 2.310 lao động gián tiếp; các lao động đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng huyện Thường Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO