Ngày 19/02/2014 UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định 88/QĐ-UBNDcho phép Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Hải (Tổ hợp Hồng Hải) được khai thác đá vôi thông thường tại mỏ đá núi Kè thuộc địa phận xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Thế nhưng mỏ lại nằm sát với các hộ dân của xã Nga Điền (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng như nằm cách di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn chỉ khoảng 70m. Hoạt động khai thác đá, nổ mìn của Tổ hợp Hồng Hải đang gây ảnh hưởng đến di tích lịch sử chùa Hàn Sơn cũng như cuộc sống của người dân xã Nga Điền sống xung quanh mỏ đá.
Ghi nhận thực tế tại chùa Hàn Sơn: Các vết nứt gãy của bậc tam cấp kéo dài, nhiều vết nứt chân chim kéo dài trên tường của nhà chùa. Mỏ đá chỉ cách chùa Hàn Sơn khoảng 70 mét. Việc nổ mìn khai thác đá làm phá vỡ cảnh quan di tích chùa Hàn Sơn, du khách thập phương cũng ít viếng thăm vì lo ngại việc nổ mìn gây nguy hiểm.
Chùa Hàn Sơn (Hàn Sơn Tự) được xây dựng tại Thần Phù Hải Khẩu (cửa biển Thần Phù) nơi đây có những con sóng lớn như sóng thần năm 1797 khi vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Chiêm thành khi qua đây gặp sóng lớn bị đắm một số thuyền nên đã cho đạo sĩ dẹp sóng thần để cho đoàn thuyền đi qua. Với địa danh “Làng quang minh chính đại” thuộc tổng Thần Phù, tỉnh Ninh Bình. Năm 2011 chùa Hàn Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trao đổi với PV, Ông Lã Văn Toan - Thành viên Ban kiến thiết chùa Hàn Sơn cho biết “Thời gian gần đây hoạt động nổ mìn khai thác đá ngày càng gần chùa, chùa bắt đầu có hiện tượng lún đất, sụt ngói, các bậc tam cấp bị nứt. Thành viên Ban kiến thiết chùa cũng như người dân sống xung quanh mỏ đá bị ảnh hưởng cũng chỉ biết làm đơn kêu cứu gửi đi các ngành chức năng. Nếu tiếp tục tình trạng nổ mìn gần như thế này, ngôi chùa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó mà giữ được cảnh quan chung”.
Ngôi nhà của gia đình ông Hoàng Văn Doa (83 tuổi, sống gần mỏ đá) xuất hiện nhiều vết nứt toác chạy dọc lên trần nhà do ảnh hưởng của việc nổ mìn khai thác đá, nhiều lần đá rơi cả vào vườn, vào nhà, mỗi lần nổ mìn là nhà rung lắc rất mạnh. Gia đình ông lo ngại sự nguy hiểm của việc nổ mìn tới tính mạng của mỗi thành viên trong gia đình.
Trao đổi ông Vũ Ngọc Huynh-Chủ tịch UBND xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết “ Chính quyền cũng như người dân rất bức xúc trước hoạt động nổ mìn khai thác đá ảnh hưởng tới di tích chùa Hàn Sơn cũng như cuộc sống người dân sống xung quanh. Do mỏ đá thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình nên xã cũng chỉ biết làm công văn đề nghị. Xã cũng đã làm việc nhiều lần và có gửi công văn sang UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (Ninh Bình) về tác động từ việc khai thác đá của Tổ hợp Hồng hải tới đi tích chùa Hàn Sơn và các hộ dân sống xung quanh.
Ông Huynh cho biết về mức độ hư hỏng ở chùa Hàn Sơn như: nền bậc tam cấp hư hỏng, lượng đá bắn vào chùa nhiều, ngói dồn lại, du khách về chùa chiêm bái cũng lo sợ đá rơi vào người. Cự ly khai thác quá gần khu dân cư cũng là nỗi khiếp sợ của người dân sống quanh khu vực mỏ đá. Phía dưới mỏ đá còn có con đường liên thông giữa 2 xã của 2 tỉnh, người dân tham gia giao thông cũng nơm nớp lo sợ mỗi lần đi qua – Ông Huynh thông tin thêm
UBND huyện Nga Sơn cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về hoạt động nổ mìn khai thác đá của tổ hợp Hồng Hải ảnh hưởng nghiêm trọng tới di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Hàn Sơn, cũng như cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực.
Sau khi nhận báo cáo, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở VHTT&DL, Sở TN&MT, Sở Công Thương, UBND huyện Nga Sơn đấu mối làm việc với các cơ quan chuyên môn tỉnh Ninh Bình kiểm tra, làm rõ ảnh hưởng của việc khai thác đá tại tổ hợp Hồng Hải tại tỉnh Ninh Bình gây ảnh hưởng đến di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Hàn Sơn, báo cáo về Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/7/2018.