Thanh Hóa: Nhiều dự án xử lý rác hoạt động không hiệu quả

Thanh Tâm| 12/08/2022 15:14

Được đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng, thế nhưng hai nhà máy xử lý rác ở huyện Như Xuân và Thạch Thành đều không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn ngân sách. Hay dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện ở thị xã Bỉm Sơn đã 18 năm được chấp thuận chủ trương, sau nhiều lần gia hạn hiện vẫn chỉ là dự án trên giấy.

Dự án hoạt động không hiệu quả

Theo đó, dự án bãi chôn lấp rác thải tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư; ngày 09/2/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng các gói thầu của Công trình; ngày 30/5/2018 dự án khởi công, đến ngày 20/4/2019 hoàn thành. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Tuấn Thành; đơn vị thi công là Công ty TNHH Ngọc Ấn; đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH Đồng Phú. Ngày 28/10/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4396/QĐ-UBND về phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình, giá trị quyết toán của dự án là 11.350.133.000 đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân sau khi hành thành xây dựng, UBND huyện đã bàn giao cho UBND xã Xuân Bình quản lý vào đầu tháng 5/2019. Trong giai đoạn từ khi được bàn giao cho đến tháng 10/2021, do không có đơn vị nhà thầu nhận thu gom, vận hành khu xử lý rác nên UBND xã Xuân Bình phải thuê người trông coi, bảo vệ. Đến tháng 11/2021, Công ty TNHH Thành Đạt mới hợp đồng nhận thu gom và vận hành khu xử lý rác.

lo-rac-xb.jpg
Dự án xử lý rác thải ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân vẫn chưa thể vận hành do các hộ thu gom quá ít

Tuy nhiên, số lượng hộ tham gia đóng góp và thu gom rác thải quá ít, không đủ để doanh nghiệp vận hành và tiến hành thu gom rác. Đến ngày 7/2022, phòng Tài nguyên – Môi trường, Tài chính – Kế hoạch đã họp với UBND Xuân Bình, Bãi Trành và đại diện Công ty TNHH Thành Đạt để bàn phương án thu gom và xử lý rác thải; trong đó, giao UBND xã Xuân Bình, Bãi Trành phối hợp với doanh nghiệp tổ chức họp dân, thống nhất đưa ra phương án thu gom và xử lý rác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án cụ thể và đưa khu xử lý rác thải vào vận hành.

Quá trình từ khi hoàn thành xây dựng khu xử lý rác thải đến nay, do không được vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nên thiết bị, linh kiện ngoài trời đã bị hoen gỉ phần nào; dây cáp néo ống khói đã bị đứt nên cột ống khói bị đổ gãy do gió, giông lốc; điện cung cấp cho khu lò đốt yếu; các thiết bị vận hành đốt không còn hoạt động; đường vào do rải đá dăm nên đã bị mưa, lũ xói mòn nhiều đoạn, lộ ra lớp đất đỏ phía dưới nền đường.

lo-rac-xuan-binh.jpg
Nhiều hạng mục xuống cấp do lâu ngày không sử dụng

Ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết: “Mục tiêu của nhà máy là thu gom rác của 2 xã và vùng phụ cận, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 500 hộ đăng ký thu gom rác. Như vậy sẽ không đủ công suất để nhà máy có thể hoạt động được. Hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng do không thường xuyên được bảo dưỡng.

Năm 2014, huyện Thạch Thành đã triển khai dự án trạm xử lý rác thải thị trấn Kim Tân và vùng phụ cận với tổng số vốn gần 15 tỷ đồng trên quy mô 3,8 ha. Theo thiết kế, công suất của lò đốt là 450 kg/h (2 lò là 900kg/h), sử dụng công nghệ nhiệt đốt nhiệt Nfi-05 và các hạng mục sân tập kết rác, sân phơi, hố chôn lấp…

123716baoxaydung_image002.jpg
Trạm xử lý rác ở xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành hoạt động không hiệu quả

Trạm xử lý rác được xây dựng tại khu đồi Cà (thôn Đự, xã Thành Thọ). Sau khi hoàn thành được giao cho Công ty CP Giao thông Thạch Thành vận hành, quản lý. Sau khi hoàn thành, trạm được kỳ vọng sẽ xử lý 10- 15 tấn rác thải/ngày đêm cho toàn bộ huyện Thạch Thành và một số xã thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung.

Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, 2 lò đốt của trạm hoạt động không hiệu quả, năng suất xử lý rất thấp. Nhiều hạng mục như đã thiết kế không được xây dựng, khiến dự án trông rất nham nhở, hoang tàn và chưa phát huy được hết công suất.

297416123_764864881301671_3150209538620703759_n.jpg
Nhiều hạng mục của dự án chưa hoàn thành, khiến việc xử lý rác không đạt hiệu quả như ban đầu

Dự án treo suốt 18 năm

Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn do Công ty TNHH năng lượng môi trường Tianyu Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 100.422 m2, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm (chia 2 giai đoạn; giai đoạn I: 500 tấn/ngày đêm, phát điện 18MW; giai đoạn II: 500 tấn/ngày đêm, phát điện 18MW).

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 90 triệu USD (tương đương 2.051,1 tỷ đồng). Dự án được đầu tư đốt rác thải sinh hoạt phát điện, nhằm tận thu nhiệt để phát điện và các loại chất thải trơ làm vật liệu xây dựng; góp phần cải thiện môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào tháng 1/2018, hoàn thành đi vào hoạt động tháng 6/2019. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng như cam kết ban đầu. Qua nhiều lần xin giảm diện tích, lùi tiến độ, đến nay, dự án này vẫn nằm trên giấy.

Mới đây, ngày 03/08/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 11327/UBND-THKH gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND thị xã Bỉm Sơn: “Giao tham mưu việc giải quyết đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất của dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn”.

Đáng chú ý, trong công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất của TIANYU Thanh Hóa, công ty này thu hẹp phạm vi hoạt động về thu gom rác thải độc hại và không độc hại. Trong đó, công ty không được thu gom rác trực tiếp từ các hộ gia đình như nội dung đăng ký kinh doanh lần đầu, mà chỉ được cung cấp dịch vụ thu gom rác do chính quyền địa phương cấp tỉnh và thành phố chỉ định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều dự án xử lý rác hoạt động không hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO