Theo quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sau khi được cấp quyền khai thác phải cam kết hoàn thổ mỏ, cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, trước khi được cấp phép khai thác, các chủ mỏ phải ký một khoản quỹ nhất định để “ràng buộc” về mặt tài chính lẫn trách nhiệm cho công tác hoàn thổ mỏ sau này. Mặt khác, trong các đề án xin cấp phép khai thác, phương án hoàn thổ cải tạo môi trường cũng đã được đưa vào để thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền.
Quy định là vậy, thế nhưng khi đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong phạm vi đã được cấp phép, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, trốn tránh trách nhiệm. Nhiều mỏ đá để lại vách đứng cheo leo, nhiều mỏ đất để lại những hố sâu hoắm không khác gì “cái bẫy” đối với người dân địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 14 mỏ vẫn chưa thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Nhiều doanh nghiệp phớt lờ công tác phục hồi, cải tạo môi trường. Nhất là những mỏ hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát.
Những vách đá cheo leo nằm sát khu dân cư chẳng khác gì “quả bom” khi xảy ra sạt lở. |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với 14 mỏ khoáng sản trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở cần yêu cầu các chủ mỏ lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.
Cụ thể tại huyện Như Thanh có mỏ đá vôi của Công ty TNHH Hưng Quý tại xã Hải Vân. Huyện Thiệu Hóa có mỏ cát số 03 tại xã Thiệu Đô của Công ty TNHH xây dựng Sơn Đào. Công ty Hancorp 2 mỏ đất sét tại xã Đông Văn và Đông Quang, huyện Đông Sơn. Huyện Tĩnh Gia có 2 mỏ đất san lấp của Công ty TNHH DVTM& XNK Nam An tại xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm và xã Tân Trường của Công ty CP Tân Hưng Phát. Mỏ đất san lấp của DNTN Mai Quân ở xã Hà Ninh, huyện Hà Trung. Huyện Cẩm Thuỷ có 2 mỏ đá vôi ở xã Cẩm Liên của Công ty CP Hồng Phúc và Doanh nghiệp tư nhân Thanh Hà. Mỏ đất xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống của Công ty CP TVĐT&XD Trường Phát. Xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa có mỏ cát của Công ty CPĐTXD điện Hồi Xuân và mỏ đá vôi thuộc Công ty CPĐTXD&TM Đức Tài. Mỏ cát xã Phùng Giáo, Phùng Minh của Công ty TNHH Bình Mai Anh.
Nhiều hố nham nhở, đã bị đào bới để lấy đất sét còn trơ lại |
Theo kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy các đơn vị đã dừng hoạt động khai thác, trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, tai nạn cao trong mùa mưa bão.
Ông Phạm Văn Hoành – Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối với 14 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, Sở đã làm văn bản báo cáo lên UBND tỉnh. Đồng thời yêu cầu các chủ mỏ lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, cải tại, phục hồi môi trường bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.
Sau khi khai thác đất để lại những hố sâu trở thành “cái bẫy” đối với người dân địa phương. |
Không thực hiện công tác cải tạo phục hồi môi trường kịp thời, cố tình trốn tránh trách nhiệm, nhiều chủ mỏ trên địa bàn Thanh Hóa đã “bỏ quên” hoàn thổ mỏ vô hình chung đã trở thành “cãi bẫy” đối với người dân. Việc “đánh trống bỏ dùi” từ nhiều chủ mỏ đang đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh kiểm tra công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường tại các điểm mỏ sau khai thác!
Khoản 1, Điều 2, Quyết định 18/2013/QĐ-TTg, ngày 29/3/2013 về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,...) tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người”.