Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong quy hoạch các dự án thủy điện

24/12/2018 22:49

(TN&MT)– Theo kết quả khảo sát việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và tình hình đời sống, sinh kế của người dân sau tái định cư bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện ở miền núi của Ban Dân tộc nhiều dự án chưa tạo được sinh kế bền vững cho các hộ dân, việc bố trí khu tái định cư còn nhiều bất cập. Đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng còn xảy ra nhiều khiếu nại, phản ánh…

Chưa tính đến sinh kế của người dân.

Trong công tác quy hoạch các khu, điểm tái định cư (TĐC) các dự án thủy điện chưa tính hết các yếu tố sinh kế bền vững (mới chỉ có thủy điện Trung Sơn là có dự án sinh kế sau TĐC cho hộ dân), quan tâm chưa nhiều tới phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc thiểu số. Có nơi quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở trên đỉnh núi cao, mặt bằng không đều, xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, chất lượng đất kém, nguy cơ sạt lở cao như ở điểm TĐC Keo Đắm, huyện Quan Hóa, bản Lìn xã Trung Lý, huyện Mường Lát.
 

Nhiều thủy điện bố trí đất sản xuất ở vị trí dốc, cằn cỗi không thể canh tác.
Nhiều thủy điện bố trí đất sản xuất ở vị trí dốc, cằn cỗi không thể canh tác.

Việc lựa chọn khu vực bố trí khu, điểm tái định cư ở một số nơi chưa phù hợp; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Không những thế, tiến độ xây dựng một số điểm tái định cư quá chậm như: Thuỷ điện Hồi Xuân, triển khai xây dựng gần 10 năm nhưng đến nay chưa bàn giao được mặt bằng khu tái định cư bản Sa Lắng. Một số công trình đầu tư không được khảo sát, thiết kế không phù hợp với địa hình, địa chất, giám sát thiếu chặt chẽ nên chất lượng, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể: Công trình nước sinh hoạt ở bản Nàng 1, xã Mường Lý; bản Po Cùng, Kéo Đắm, xã Trung Sơn do ống kẽm nhỏ, hoen gỉ, thiết kế kỹ thuật không phù hợp, cuối nguồn các hộ không có nước dùng.
 

Mỗi khi thủy điện tích nước làm giao thông chia cắt, người dân phải dùng thuyền để di chuyển.
Mỗi khi thủy điện tích nước làm giao thông chia cắt, người dân phải dùng thuyền để di chuyển.

Về quy hoạch, xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số như nhà ở của dân cư đô thị, không phù hợp với phong tục, tập quán; đất đai cằn cỗi, độ dốc lớn; thiếu đất canh tác và nước tưới nên việc tổ chức sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường rất khó khăn.

Việc khảo sát, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của một số dự án thủy điện chưa chính xác, đề xuất quy hoạch, bố trí dân cư chưa phù hợp, thiếu tính bền vững; một số hộ nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dự án được duyệt, nhưng khi xây dựng công trình và tích nước vẫn bị ngập nước như thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, Bá Thước.

Đặc biệt, theo Báo cáo số 735/BC-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2018 do ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa duyệt khẳng định: Công tác kiểm kê, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn hạn chế. Cá biệt một số nơi còn để xảy ra sai sót trong quá trình kiểm đếm, đánh giá mức thiệt hại bồi thường như ở Mường Lát. Chưa bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hộ mất đất sản xuất nông nghiệp. Việc chi trả tiền bồi thường bồi thường GPMB và kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ cho dân còn chậm như dự án thủy điện Hồi Xuân (còn 167 hộ chưa nhận tiền bồi thường). Việc thực hiện chính sách đền bù, tái định cư còn nhiều bất cập, mới chỉ tính đến thiệt hại trực tiếp, chưa tính tới thiệt hại gián tiếp cho các hộ bị ảnh hưởng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, thậm chí trong cùng một huyện, mỗi dự án di dân TĐC thực hiện một chế độ, chính sách đề bù, GPMB và hỗ trợ TĐC khác nhau, có sự thiếu công bằng, gây khó khăn cho việc thực hiện ở cơ sở. Một số dự án còn xảy ra khiếu nại về định mực, hình thức hỗ trợ, đền bù như ở Mường Lát, Cẩm Thủy, Bá Thước.
 

Nhiều hộ dân mòn mỏi chờ tái định cư và phải ở trong các ngôi nhà tranh tạm bợ.
Nhiều hộ dân mòn mỏi chờ tái định cư và phải ở trong các ngôi nhà tranh tạm bợ.

Ông Trương Công Xuất ở làng Côn, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước (hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Bá Thước 2) buồn bã nói: “Chấp hành chủ trương của nhà nước, người dân chúng tôi đồng ý di dời để thực hiện dự án thủy điện Bá Thước 2. Nhưng giá đền bù đất lại rẻ quá, một mét vuông đất sản xuất giá đền bù có 5000 đồng, không mua nổi nải chuối. Trước đây có đất sản xuất, chúng tôi canh tác cũng tạm đủ ăn, nay mất hết đất rồi chẳng biết lấy gì làm ăn. Từ năm ngoái, chính quyền giao đất cho các hộ khoán thầu ở vùng vịnh của thủy điện, người dân cũng không được đánh bắt, hay nuôi cá lồng bè nữa. Đời con cháu sau này không biết kiếm kế gì sinh nhai”.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định là do việc sắp xếp, bố trí dân cư để thực hiện các dự án thủy điện là một vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, chế độ cụ thể, tác động đến mọi mặt sản xuất, đời sống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Ngoài ra do địa hình phức tạp, đất ở và đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi rất ít, ở các vùng có dự án thủy điện quá ít. Vì vậy việc lựa chọn địa điểm tạo được mặt bằng để xây dựng khu TĐC và tổ chức sản xuất cho đồng bào là rất khó khăn.
 

Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước khiến nhiều xe tải, máy múc ngập sâu trong nước ước tình thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước khiến nhiều xe tải, máy múc ngập sâu trong nước ước tình thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.


Việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một địa bàn càng làm cho việc bố trí các khu TĐC ở địa bàn miền núi càng khó khăn. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC chưa thống nhất và phụ thuộc vào chính sách của từng dự án; đơn giá bồi thường về các loại đất và một số tài sản trên đất còn bất cập. Một số chủ đầu tư khó khăn về nguồn vốn nên làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án (như thủy điện Hồi Xuân).

Nguyên nhân chủ quan được xác định là do: Công tác lãnh đạo, tổ chức dự án di dân TĐC ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Cá biệt có dự án đã thay đổi chủ đầu tư mà huyện không biết nên rất khó khăn trong việc phối hợp thực hiện những cam kết giữa nhà đầu tư và huyện trước đây. Việc xây dựng phương án bồi thường, GPMB di dân TĐC của các dự án chưa nghiên cứu kỹ đến các yếu tố vùng miền, điều kiện tự nhiên, thiết kế các khu TĐC và công trình phúc lợi chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong quy hoạch các dự án thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO