Đất đai

Thanh Hóa: Hiệu quả của tích tụ, tập trung đất đai tại huyện miền núi Ngọc Lặc

Thu Thủy 29/09/2023 - 17:33

Việc triển khai hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp đang là bàn đạp để huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào bà con các dân tộc trên địa bàn huyện.

Sự cần thiết của tích tụ, tập trung đất đai

Ngọc Lặc là huyện miền núi, có địa hình rộng, dân sống không tập trung, một số xã mới thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn năm 2021. Trước kia, diện tích luồng do các hộ dân trồng tự phát, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch, một số xã do khai thác quá mức, không được chăm sóc, bón phân dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Thời gian qua, các xã Vân Am và Phùng Giáo tổ chức tích tụ ruộng đất, vận động các hộ dồn điền, đổi thửa, để hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm. Với sự hỗ trợ của huyện về kỹ thuật chăm sóc và cung cấp phân bón, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Riêng trên địa bàn xã Vân Am đã tích tụ được hơn 200 ha đất theo dự án phục tráng rừng luồng mang lại hiệu quả lớn về phát triển kinh tế cho người dân.

anh-1.jpg
Tập trung tích tụ đất đai để phát triển nông, lâm nghiệp

Nhờ có thêm các cơ chế hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình tích tụ, tập trung đất đai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu theo hướng công nghệ cao ở xã Kiên Thọ, mô hình trồng măng tây theo hướng công nghệ cao ở xã Ngọc Liên, mô hình trồng mít thái theo hướng công nghệ cao tại xã Quang Trung, mô hình trồng cây dược liệu tại xã Kiên Thọ và các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiệu quả rõ rệt nhất là ở mô hình tích tụ ruộng đất để phục tráng rừng luồng.

Ông Phạm Văn Nghĩa, xã Vân Am huyện Ngọc Lặc cho biết: "Việc trồng luồng để phát triển kinh tế thì có năng suất hơn các loại cây khác, bà con có thu nhập ổn định. Việc tích tụ ruộng đất có lợi cho bà con, bảo vệ chăm sóc đồng loạt, dễ chăm sóc, thu hoạch hiệu quả hơn manh mún".

Đồng thời, nhờ tích tụ, tập trung đất đai, xã Quang Trung đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như mô hình trồng mít Thái ở thôn Quang Thái Bình với quy mô diện tích 12 ha; trang trại tổng hợp ở thôn Thuận Hòa với 8,5 ha trồng dứa gai, bưởi, sắn dây, nghệ; trang trại tổng hợp ở thôn Thuận Hòa với 5 ha trồng các loại cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản; mô hình nuôi chim cút thịt với quy mô nuôi hơn 500 con/lứa và mô hình chăn nuôi gà thịt với số lượng 3.000 con ở thôn Quang Thái Bình…

anh-2.jpg
Mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà màng

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, thôn Minh Lâm, xã Ngọc Trung đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai được 3 ha. Với diện tích này, gia đình chị đã đầu tư trồng 1.500 cây cam Xã Đoài, 500 cây cam đường Canh và 500 cây bưởi da xanh. Do áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ cây trồng, nên diện tích cây ăn quả của gia đình chị phát triển tốt. Chị Oanh cho biết: Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, gia đình đã xây dựng được vùng trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Hàng năm, trung bình mỗi vụ cam cho thu hoạch 60 tấn quả, sau khi trừ chi phí sản xuất cho gia đình chị thu lãi 750 triệu đồng.

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có gần 4.160 hộ nghèo và cận nghèo. Huyện đang phấn đấu mỗi năm sẽ giảm bình quân 2,3% số hộ nghèo trở lên.

Huyện Ngọc Lặc xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng cơ bản để giải quyết công tác tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Do đó, cùng với thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, như: Hỗ trợ máy nông nghiệp liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu tư hệ thống điện cho các trang trại quy mô lớn, hỗ trợ cho các hộ làm nhà màng, nhà lưới... Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã tích tụ được hơn 2398 ha đất để phục vụ cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, trong đó trồng trọt 531 ha, chăn nuôi 482 ha, lâm nghiệp 1385ha. Riêng trong năm 2022, huyện đã thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng công nghệ cao được 549,5 ha đạt 109,9% kế hoạch.

Việc tích tụ ruộng đất đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả để xây dựng thành công nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nhờ có tích tụ tập trung đất đai nên nhiều kỹ thuật, công nghệ cao đã được ứng dụng vào sản xuất như sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất, ủ phân hữu cơ, áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, sản xuất rau quả trong nhà màng, biện pháp tưới và cung cấp dinh dưỡng tự động, cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất với quy mô ngày càng lớn. Sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

anh-3.jpg
Nhờ có tích tụ tập trung đất đai nên nhiều kỹ thuật, công nghệ cao đã được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh đó, huyện Ngọc Lặc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để từng bước sắp xếp lại sản xuất ngành nông nghiệp; nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giá trị gia tăng theo định hướng xây dựng nông nghiệp sạch, xanh, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị của vùng nguyên liệu đã được hình thành, các cây chủ lực, gắn chặt chẽ các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển các vùng nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, xây dựng Ngọc Lặc trở thành một trong những trung tâm trồng cây ăn quả lớn có thương hiệu trong và ngoài tỉnh, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ

Theo lãnh đạo UBND huyện Ngọc Lặc: Để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, huyện Ngọc Lặc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tích tụ, tập trung đất đai, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, trong đó có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất. Phát huy tốt nhất các yếu tố thuận lợi, khắc phục những khó khăn, huyện Ngọc Lặc phấn đấu xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 và là 1 trong 3 huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hiệu quả của tích tụ, tập trung đất đai tại huyện miền núi Ngọc Lặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO