Theo tìm hiểu hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hai quy hoạch thuỷ điện với 22 dự án do Bộ Công thương phê duyệt: Quy hoạch thuỷ điện bậc thang sông Mã và quy hoạch thuỷ điện nhỏ có tổng công suất 832MW. Trong đó trên Mã có 7 dự án gồm: thủy điện Trung Sơn (260MW), Thành Sơn (30MW), Hồi Xuân (102MW), Bá Thước I (60MW), Bá Thước II (80MW), Cẩm Thủy I (28,6MW), Cẩm Thủy II (32MW), sông Chu có 4 dự án: Cửa Đạt (97MW), Xuân Minh (15MW), Bái Thượng (6MW) và Dốc Cáy (15MW).
Ở các sông suối khác như trên sông Luồng có 05 dự án gồm: thủy điện bản Khà, Mường Mìn, thủy điện Sơn Điện, thủy điện Nam Động 1 và Nam Động 2; tuyến sông Lò có 03 dự án gồm: Thủy điện Trung Xuân, thủy điện Sơn Lư, thủy điện Tam Thanh; tuyến sông Âm có 01 dự án thủy điện sông Âm; tuyến sông Khao có 01 dự án; suối Hối có 01 dự án thủy điện Trí Nang.
Đến nay đã có 13 dự án triển khai đầu tư, gồm: 06 dự án đã hoàn thành xong và phát điện, 07 dự án đang thi công đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và 09 dự án đang lập hồ sơ trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.
Điển hình như trên địa bàn huyện Thường Xuân đã phải gánh tới 4 dự án thủy điện gồm: Cửa Đạt, Xuân Minh, Dốc Cáy và Bái Thượng. Hay trên sông Mã phải cõng tới 7 dự án thủy điện là những con số giật mình và trở thành “quả bom nước” mỗi khi mùa lũ cận kề.
Trước đó, theo kết quả khảo sát việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và tình hình đời sống, sinh kế của người dân sau tái định cư bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện ở miền núi của Ban Dân tộc nhiều dự án chưa tạo được sinh kế bền vững cho các hộ dân, việc bố trí khu tái định cư còn nhiều bất cập. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng còn xảy ra nhiều khiếu nại, phản ánh.
Đặc biệt, theo Báo cáo số 735/BC-HĐND ngày 04/12/ 2018 do ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa duyệt khẳng định: Công tác kiểm kê, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn hạn chế. Cá biệt một số nơi còn để xảy ra sai sót trong quá trình kiểm đếm, đánh giá mức thiệt hại bồi thường như ở Mường Lát. Chưa bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hộ mất đất sản xuất nông nghiệp. Việc chi trả tiền bồi thường GPMB và kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ cho dân còn chậm như dự án thủy điện Hồi Xuân (còn 167 hộ chưa nhận tiền bồi thường).
Việc thực hiện chính sách đền bù, tái định cư còn nhiều bất cập, mới chỉ tính đến thiệt hại trực tiếp, chưa tính tới thiệt hại gián tiếp cho các hộ bị ảnh hưởng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, thậm chí trong cùng một huyện, mỗi dự án di dân TĐC thực hiện một chế độ, chính sách đề bù, GPMB và hỗ trợ TĐC khác nhau, thể hiện sự thiếu công bằng, gây khó khăn cho việc thực hiện ở cơ sở. Một số dự án còn xảy ra khiếu nại về định mực, hình thức hỗ trợ, đền bù như ở Mường Lát, Cẩm Thủy, Bá Thước.
Việc quy hoạch hàng chục thủy điện trên các sông, suối đã góp phần đem lại nguồn năng lượng điện lớn và ổn định cho ngành điện lực tỉnh Thanh Hóa. Nhưng cũng tạo ra nhiều bất cập, hệ lụy như việc thủy điện tích nước vào mùa khô làm thay đổi dòng chảy, thiếu nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, mỗi khi mùa lũ tới nhiều thủy điện xả lũ để tránh vỡ đập gây ra tình trạng lũ lụt ở hạ lưu. Nhìn lại trận lũ lịch sử năm 2018 vừa qua khi mà tỉnh Thanh Hóa thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng thì các ban, ngành cần nhìn nhận và đánh giá lại việc quy hoạch thủy điện để phát triển bền vững.