Thanh Hóa: Đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống - Khi doanh nghiệp và người dân đồng lòng

Nhóm PV (lược ghi)| 14/03/2023 10:27

(TN&MT) - Quá trình triển khai Luật BVMT 2020, các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp đã đóng góp vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả của Luật khi đưa vào thực tiễn, đó là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, sạch và bền vững. Phóng viên Báo TN&MT lược ghi một số ý kiến tâm huyết trong quá trình Thanh Hóa nỗ lực đưa Luật vào cuộc sống.

Phải xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung để phát triển đồng bộ

Thực hiện Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 04/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Phòng TN&MT huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai tại Công văn số 1161/UBND-TNMT ngày 09/6/2021.

anh-3-nguyen-van-tiem-truong-phong-tn-mt-huyen-hoang-hoa.jpg

Ông Nguyễn Văn Tiệm - Trưởng phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đánh giá đã sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, trong khoảng thời gian từ 20 ngày đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Luật có 11 chính sách, quy định mới mang tính đột phá chính.

Trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường, Phòng TN&MT đã phối hợp với các phòng chuyên môn rà soát quy mô các làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn, tham mưu cho UBND huyện lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực, tiềm lực để kêu gọi đầu tư gắn với xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung. Thời gian tới, phòng TN&MT huyện sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020; chú trọng nắm bắt tình hình thực tế, thuận lợi khó khăn trong việc triển khai, thực thi Luật trên phạm vi toàn huyện để tham mưu điều chỉnh Kế hoạch triển khai Luật phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Tiệm - Trưởng phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa

Cần tuyên truyền công tác BVMT gắn với xây dựng Nông thôn mới

Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, UBND huyện đã có công văn số 334/UBND-TNMT ngày 18/02/2022 về việc triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Thông tư, Quyết định, Công văn của Bộ TN&MT đến UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 20/20 xã, thị trấn tham gia Hội nghị quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới Luật, tham gia lớp tập huấn do Sở TN&MT chủ trì thực hiện.

anh-4-ong-dang-van-thien-truong-phong-tnmt-huyen-ha-trung.jpg

Ông Đặng Văn Thiện - Trưởng phòng TN&MT huyện Hà Trung

Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn về tăng cường công tác quản lý, thu gom, XLRT sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Hà Trung đã viết 1.450 tin bài, 28 chuyên mục tuyên truyền công tác BVMT lồng ghép với phổ biến các chính sách pháp luật thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; treo 165 băng rôn tuyên truyền về BVMT trong các ngày lễ lớn như Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học…

Phối hợp với Sở TN&MT tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền công tác vệ sinh môi trường nông thôn cho các xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020 và Nông thôn mới nâng cao với số lượng 450 người tham gia.

Thực hiện các mô hình “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên với vệ sinh môi trường”, “Dòng sông không rác thải”, “Đường tranh bích họa”, “Đường cờ Thanh niên”, “Cột điện nở hoa”… để từng bước đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống.

Ông Đặng Văn Thiện - Trưởng phòng TN&MT huyện Hà Trung

Tiếp tục tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức BVMT

Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai chỉ đạo, hướng dẫn về công tác BVMT, trong đó có việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại trên địa bàn phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương. Ban hành Kế hoạch số Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 04/4/2021 về việc thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải có số lượng chất thải nguy hại phát sinh, hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

anh-5-ong-nguyen-van-tu-truong-phong-tn-mt-huyen-thach-thanh.jpg

Ông Nguyễn Văn Tư - Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành

Năm 2022, huyện đã tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử huyện, xã 120 tin, bài; treo 2.000 lượt băng rôn, 450 áp phích, tuyên truyền bằng xe lưu động 200 giờ về công tác vệ sinh môi trường; tuyên truyền lồng ghép qua các chương trình hội nghị; Tổ chức các chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày môi trường, Chiến dịch ra quân mùa hè xanh, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, tháng cao điểm về vệ sinh môi trường thu hút 20.000 lượt người tham gia, trồng 2.300 cây xanh tại các tuyến đường giao thông, bãi chôn lấp rác... Nhờ thế, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt 78%.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về công tác thu gom, xử lý chất thải; thực hiện phân loại rác tại nguồn. Rà soát, đầu tư bổ sung phương tiện, thiết bị phù hợp với hoạt động thu gom, vận chuyển của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tư - Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành

Cộng đồng dân cư tham gia giám sát hoạt động BVMT

Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào thực tế, thời gian qua, UBND xã Thăng Long đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều kế hoạch, tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường đến từng thôn, từng nhà. Đặc biệt, bám sát quy định về cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

anh-6-ong-mach-van-thu-chu-tich-ubnd-xa-thang-long-huyen-nong-cong-tinh-thanh-hoa.jpg

Ông Mạch Văn Thự - Chủ tịch UBND xã Thăng Long, huyện Nông Cống

Điển hình như hiện nay trên địa bàn xã đang gặp phải tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi, do các xe chở đất phục vụ Cao tốc Bắc - Nam. Song trước những yêu cầu chính đáng và đảm bảo quyền, lợi ích của người dân về hoạt động BVMT trên địa bàn, chính quyền xã cùng với UBND huyện Nông Cống tổ chức đối thoại để lắng nghe nguyện vọng, ý kiến phản biện của người dân. làm việc với phía doanh nghiệp, yêu cầu có cam kết bằng văn bản thực hiện sửa chữa đường giao thông, các xe chở đất phải vận chuyển đúng tải trọng, đúng tốc độ, không để đất rơi vương vãi, thực hiện tưới nước giảm bụi thường xuyên.

UBND xã tuyên truyền đến người dân về công tác BVMT. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật, thường xuyên sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông. Sau khi có được các cam kết từ các đơn vị thi công và chính quyền địa phương, người dân đã vui vẻ đồng thuận, tạo điều kiện để đoàn xe chở đất hoạt động trở lại.

Ông Mạch Văn Thự - Chủ tịch UBND xã Thăng Long, huyện Nông Cống

Phát triển kinh tế phải song hành với trách nhiệm BVMT

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những tác động tích cực, giúp Công ty TNHH Miza Nghi Sơn thực hiện đầy các quy trình, thủ tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi về mặt kinh tế - xã hội. Hiện nay, tiêu chí phát triển bền vững kinh tế - môi trường đang được cân nhắc, xem xét và ưu tiên nhiều hơn trong chính sách pháp luật về môi trường, cũng như trong hợp tác - kinh doanh - kêu gọi đầu tư. Do đó, Công ty sẽ có nhiều cơ hội và ưu thế trong hoạt động đầu tư, được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước.

anh-7-ong-le-van-hiep-tong-giam-doc-cong-ty-tnhh-miza.jpg

Ông Lê Văn Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza

Thực tế cho thấy, tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã giúp cho Công ty vừa có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, vừa thể hiện tốt trách nhiệm môi trường của Công ty đối với cộng đồng, đáp ứng được thị hiếu của thị trường. Việc đầu tư và vận hành thường xuyên những hệ thống xử lý chất thải, khí thải không chỉ góp phần BVMT xung quanh mà còn tiết kiệm nhiều chi phí, nhân lực, đồng thời, tái sử dụng tối đa lượng nước thải. Năm 2023, Công ty đã ban hành sổ tay môi trường nhằm theo dõi và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường, giúp Công ty hạn chế gặp rủi ro về pháp lý, thanh kiểm tra và chế tài xử phạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP nếu vi phạm các quy định pháp luật về BVMT.

Công ty luôn cam kết đảm bảo sự ổn định, bền vững, không bao giờ đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế vì chúng tôi hiểu, chỉ có chung sống hòa hợp với thiên nhiên, dựa vào sức mạnh của tài nguyên và môi trường thì doanh nghiệp mới ổn định và phát triển bền vững. Do đó, từ khi thành lập tới nay, Công ty luôn đặt ra phương châm “Phát triển gắn liền công tác BVMT”. Đó không chỉ là xây dựng một mô hình sản xuất - kinh doanh vì môi trường mà còn dựa vào môi trường, gắn kết chặt chẽ với môi trường. Chỉ khi bảo vệ, tái thiết môi trường thì kết quả nhận lại được mới văn minh, bền vững.

Ông Lê Văn Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza

Ứng xử “tốt” với rác thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Xu hướng chung hiện nay là phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, biến rác trở thành nguồn tài nguyên. Một số địa phương đã vận động người dân phân loại rác, nhưng khi rác ra khỏi hộ dân thì lại đổ chung lên một xe thu gom khiến công sức phân loại trở nên vô nghĩa. Thuật ngữ “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” trong đó chú trọng tái sử dụng các nguyên vật liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp nước ta thích nghi và phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

anh-8-ong-nguyen-duy-binh-giam-doc-cong-ty-co-phan-moi-truong-lam-son-thanh-hoa.jpg

Ông Nguyễn Duy Bình - Giám đốc Công ty CP Môi trường Lam Sơn

Mặt khác, hiện nay, tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Thanh Hóa còn cao, nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn nhằm giảm chi phí XLRT phải nộp, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần xem xét mặt bằng chung định mức đơn giá về thu gom XLRT sinh hoạt đối với các hộ gia đình hiện nay vẫn còn thấp, chưa hấp dẫn doanh nghiệp, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng nông thôn và thành thị. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp đơn vị có năng lực trong thu gom và XLRT. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào XLRT thân thiện với môi trường, đặc biệt việc triển khai đồng bộ hệ thống thu gom phân loại rác thải tại nguồn là yếu tố then chốt.

Ông Nguyễn Duy Bình - Giám đốc Công ty CP Môi trường Lam Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống - Khi doanh nghiệp và người dân đồng lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO