Xã hội

Thanh Hóa: Bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội

Thu Thủy 28/05/2021 17:56

(TN&MT) - Rừng có vai trò rất quan trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại các khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại tỉnh Thanh Hóa, công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng là trách nhiệm của mọi người dân, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

anh-2(1).jpg
Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 380 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp

Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tích tụ đất đai, liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, quảng bá thương hiệu mặt hàng gỗ và lâm sản của tỉnh ra thị trường quốc tế, tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam.

Hiện nay, toàn tỉnh có 19.061,66 ha rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã khai thác 700.150 m3 gỗ rừng trồng, vườn nhà, cây trồng phân tán (đạt 100% KH); 60.000 nghìn cây luồng (đạt 108,1% KH); 80.000 tấn nứa, vầu (đạt 96,4% KH); khai thác bền vững dược liệu dưới tán rừng tự nhiên trên diện tích 94.550 ha (đạt 100% KH). Trong năm qua, đã kiểm tra, xử lý 380 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó: Hoạt động bảo vệ rừng tại gốc (khai thác, xâm lấn rừng) là 100 vụ, hoạt động chống buôn lậu lâm sản là 280 vụ. Tịch thu 173,623 m3 gỗ các loại; 14.511 kg gốc, rễ; 209,6 kg động vật rừng; 69 cá thể động vật rừng; 42,585 ster củi; 7.518,5 kg dược liệu; 244,5 kg măng, 8 cưa xăng.

Đối với công tác trồng rừng, đã trồng được 10.300 ha rừng tập trung; trồng 1,8 triệu cây phân tán; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 5.500 ha; thâm canh phục tráng rừng luồng 7.090 ha; quế 70 ha. Đến nay, các cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt. Xúc tiến xây dựng các nhiệm vụ, đề án khôi phục các loài cây bản địa và đầu tư vùng trồng dược liệu; thực hiện tốt chính sách phát triển tre luồng; triển khai xây dựng “Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025”.

anh-1.jpg
Công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức điều tra khảo sát, bổ sung vùng trọng điểm canh tác nương rẫy huyện Mường Lát, Quan Hóa và bổ sung bản đồ tác chiến chữa cháy rừng vùng trọng điểm cháy, khu rừng Thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng qua việc vận hành thử nghiệm 3 camera chuyên dụng quan sát cháy rừng tại huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia; nghiên cứu, lắp ráp 14 bộ máy bơm cải tiến phục vụ chữa cháy rừng… cùng với nhiều giải pháp khác đã làm giảm nguy cơ, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra năm 2020.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2013 - 2020, lĩnh vực lâm nghiệp đã đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi. Cụ thể: Trồng rừng cả giai đoạn đạt 79.079 ha, bình quân 9.884 ha/năm. Từ năm 2013 đến năm 2020, diện tích rừng trồng tăng 59.096 ha từ 152.228 ha lên 211.324 ha, diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng tăng 39.634 ha từ 520.857 lên 560.491 ha, tỷ lệ che phủ rừng tăng 5,42% từ 64,28% lên 69,70%; phát triển các sản phẩm lợi thế, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến lâm sản, đưa diện tích luồng thâm canh tăng 15.833 ha từ 14.167 ha lên 30.000 ha, diện tích rừng gỗ lớn tăng 37.215 ha từ 17.585 ha lên 54.800 ha.

Chi cục Kiểm lâm - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất cho người dân khu vực miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo. Tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra giám sát việc phát triển sản xuất lâm nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở. Rà soát các cơ chế chính sách lâm nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách còn bất cập hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO