Thanh Hóa bảo vệ môi trường: Triển khai nhiều giải pháp thiết thực
(TN&MT) - Năm 2023, công tác kiểm tra giám sát bảo vệ môi trường được Thanh Hóa đẩy mạnh triển khai, nhất là với các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và các khu xử lý chất thải. Nhiều đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường đã bị kiểm tra, xử phạt. Sở TN&MT đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, khắc phục tồn tại, khó khăn đã được chỉ ra qua công tác thanh, kiểm tra.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ngày 31/01/2023, Giám đốc Sở TN&MT đã ban hành Công văn số 581/STNMT-BVMT về việc giao chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại năm 2023 cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Tham gia ý kiến đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải bằng công nghệ đốt trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Như Thanh, huyện Yên Định.
Đồng thời, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Nam; hướng dẫn Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển công nghiệp môi trường Ecotech thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Thanh Hóa và các vùng phụ cận.
Kiểm tra việc tiêu hủy phế thải theo đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất giầy, may mặc trên địa bàn tỉnh; năm 2023, tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt ước đạt 91,8%; tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đạt 83%, tỷ lệ chất thải y tế nguy hại, được thu gom xử lý đạt 100%.
Tổ chức kiểm tra, giám sát tại 65 cơ sở theo Kế hoạch giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất sau khi có Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 đã được phê duyệt tại Kế hoạch số 82/KH-STNMT ngày 19/01/2023. Thực hiện chương trình lấy mẫu đối chứng giám sát việc vận hành Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tiếp nhận và xử lý 45 kiến nghị phản ánh của tổ chức, cá nhân về vấn đề môi trường. Sở đã chủ trì giải quyết 24/45 đơn kiến nghị, có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý 21/45 đơn kiến nghị. Sở TN&MT đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 18 đơn vị, số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2023, tổ chức 179 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; tiếp nhận, thẩm định hội đồng thẩm định/Đoàn kiểm tra/Tổ thẩm định Giấy phép môi trường cho 85 dự án, cơ sở; tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường cho 71 dự án, cơ sở; xử lý vi phạm đối với 10 cơ sở số tiền 250 triệu đồng do có hành vi nộp hồ sơ không đúng thời điểm.
Vẫn còn tồn tại
Quá trình kiểm tra giám sát cho thấy, vẫn tồn tại nhiều bất cập như: Hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản tại một số khu vực còn phát sinh nhiều bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng; Hoạt động phân loại rác chưa được triển khai triệt để; Hạ tầng xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt và rác sau phân loại ở nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ; Nhiều bãi rác quá tải so với công suất thiết kế ban đầu; Tiến độ thực hiện dự án trọng điểm để xử lý rác thải trên địa bàn còn rất chậm (Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy xử lý rác thải phường Quảng Minh, TP. Sầm Sơn); hạ tầng cơ sở để triển khai xử lý rác thải đã phân loại còn thiếu.
Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn tại các huyện miền núi còn nhiều hạn chế, cơ bản mới chỉ triển khai ở khu vực thị trấn.
Nhiều khu đô thị chưa đầu tư hoàn chỉnh công trình thu gom và xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn; chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thiếu do ngân sách của tỉnh còn hạn chế, nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí để thực hiện, đặc biệt là các dự án về xử lý chất thải rắn, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích; các dự án xử lý nước thải KCN, CCN.
Giải pháp thiết thực
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Sở TN&MT đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, xem đây là giải pháp quan trọng trong việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong trong thực hiện các nội dung của báo cáo ĐTM, Giấy phép môi trường; xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Tổ chức rà soát toàn bộ các cơ sở có phát sinh nguồn nước thải, khí thải, ở các điểm xả thải với lưu lượng lớn, lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường làm cơ sở phục vụ công tác kiểm soát, giám sát, cảnh báo về môi trường;
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa triển khai đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn vào các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn; rà soát, yêu cầu dừng hoạt động đối với các khu xử lý rác thải, các lò đốt rác thải sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đang hoạt động trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; đơn giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
Yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án không thực hiện hoặc chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần.
Tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải; đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn. Ưu tiên các công nghệ trong nước, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương.