Xã hội

Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường là điểm tựa để phát triển kinh tế

Thu Thủy 01/12/2023 - 17:00

Xã miền núi Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã thực hiện khéo léo giữa phát triển kinh tế song song với công tác bảo vệ môi trường, giúp địa phương giảm nghèo bền vững, đạt được nhiều kết quả tích cực. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú.

PV: Thưa ông, là một xã miền núi với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, Đảng uỷ, UBND, HĐND xã Xuân Phú đã định hướng thế nào để địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn:

Xuân Phú là xã miền núi với tổng dân số là 8.500 người. Trong đó dân tộc Mường: chiếm 62%, dân tộc Kinh chiếm 35,7%, dân tộc khác chiếm 1,8%. Dân cư trên địa bàn xã được bố trí sinh sống dọc theo các triền đồi, chân núi và dọc theo các bờ khe suối, ngành nghề sản suất chính của nhân dân trong xã là nông, lâm nghiệp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Xác định phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ tới từng hộ dân. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã biết áp dụng các loại cây, con giống mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ngoài ra, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tín chấp với các ngân hàng cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo.

xp1.jpg
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú

Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm có thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng Nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu.

Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, công trình có tính kết nối, tác động lan tỏa tạo tiền đề cho thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Bố trí và huy động các nguồn vốn để đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp lòng đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng.

PV: Song hành với công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các hoạt động bảo vệ môi trường tại xã Xuân Phú đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn:

Nhằm duy trì và thực hiện có hiệu quả cảnh quan môi trường trên địa bàn, phấn đấu xây dựng xã Xuân Phú đạt chuẩn Nông thôn mới Nâng cao trước năm 2025. Xã Xuân Phú ban hành Kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch đẹp, giai đoạn 2023-2024.

Trong đó, xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về ý nghĩa và tầm quan trọng, quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác bảo vệ môi trường tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn xã; thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, xả rác bừa bãi, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

xp2.jpg
Đời sống bà con ngày càng ấm no hạnh phúc

Tổ chức triển khai thực hiện Mô hình “Ngày chủ nhật cùng hành động về môi trường” để cùng thực hiện các hoạt động tổng dọn dẹp vệ sinh môi trường (khơi thông dòng chảy rãnh nước thải khu dân cư, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương cắt xén cây, cỏ; thu gom, xử lý rác thải bờ kênh, bờ đê và trên đồng ruộng,…); giữ gìn cảnh quan, làm sạch nhà, vệ sinh cơ quan, công sở; trồng cây xanh, trồng hoa, trong khuôn viên công sở làm việc, đường làng, ngõ, xóm, các tuyến đường liên thôn, liên xã... Thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nhà; thu gom và xử lý đúng quy trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Tổ chức ra quân thực hiện san ủi, bù lấp làm phẳng lòng lề đường; thu dọn vật liệu, đất đá thải trên các tuyến đường giao thông. Không để vật liệu, hàng hóa, biển quảng cáo lấn chiếm lòng, lề đường; giải tán các khu họp chợ không đúng quy định. Chỉnh trang nhà ở, khu dân cư, cơ quan đơn vị ngăn nắp, gọn gàng, khang trang “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

PV: Từ việc định hướng, thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, song song với công tác bảo vệ môi trường, đến nay xã Xuân Phú đã đạt được những kết quả gì thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn:

Đến nay xã Xuân Phú đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Không chỉ diện mạo nông thôn thay da, đổi thịt từng ngày, mà các ngành nghề nông thôn được quan tâm phát triển, đời sống người dân trong xã từng bước được nâng lên.

Đặc biệt là giai đoạn 2015 đến năm 2022, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà ở dân cư, hệ thống mương, nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây dựng …toàn xã đã có 9 thôn đạt chuẩn NTM và 1 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Năm 2018 xã đạt chuẩn NTM, đến nay xã tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Đặc biệt trong năm 2022 xây dựng thành công 2 thôn đạt NTM: thôn Làng Sung và thôn Bàn Lai, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của xã nhà; cảnh quan, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, mở rộng hành lang trồng cây bóng mát thuận tiện việc đi lại của người dân, xây dựng và hình thành các tuyến đường mẫu, đường hoa, các tuyến đường “Xanh- Sạch- Đẹp, Sáng- An toàn”.

xp3.jpg
Hoạt động tuyên truyền công tác BVMT ở xã Xuân Phú

Trong năm 2023, xã Xuân Phú đã tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023; triển khai Kế hoạch số 93 của UBND huyện về công tác bảo vệ môi trường. Chỉ đạo Công ty DVMT Xuân Phú thực hiện công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đạt 99% KH bằng 104% so với cùng kỳ. Rác thải được thu gom và xử lý chôn lấp tại chỗ theo quy định. Tuyên truyền Nhân dân xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, đảm bảo VSMT một cách hiệu quả. Phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chương trình trao tặng 200 thùng rác cho 12 thôn của xã.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn có bước phát triển khá, sản lượng lương thực đạt 3.265 tấn, bằng 100% KH và bằng 98% cùng kỳ.- Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, các trang trại, gia trại vẫn duy trì và phát triển được tổng đàn; như trang trại chăn nuôi Nông thôn Miền Tây Thôn Làng Bài); Trại gà Phú Gia (thôn Hố Dăm); Trại bò sữa Vinamil (thôn Bàn Lai) các gia trại của các hộ gia đình.

Từ đó, kinh tế bà con các dân tộc trên địa bàn xã đã phát triển rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống ấm no hạnh phúc.

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường là điểm tựa để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO