Thanh Hà – Hải Dương: Dân ồ ạt xây dựng nhà xưởng, nhà kiên cố trên đất nông nghiệp

Đức Hải – Nhật Lam| 24/06/2021 19:17

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng xây dựng nhà xưởng, nhà kiên cố trên đất nông nghiệp tại xã Tân Việt khá phổ biến. Chính quyền vận động dân tháo dỡ ki-ot xây trái phép trả mặt bằng, nhưng đến ki-ot cuối cùng lại để mặc không dỡ khiến khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Đơn thư gửi lên UBND huyện đều bị “ỉm đi”. Ai đang “chống lưng” cho những sai phạm. Trách nhiệm của chủ tịch xã ở đâu?

Nhà bắt dỡ phải dỡ, nhà xây cứ xây

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Lập, trú tại thôn Cam Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà cho biết: Thời gian qua, tình trạng xây dựng nhà ở kiên cố, nhà xưởng trên đất công khá phổ biến, gây bức xúc cho nhân dân địa phương. Điển hình như việc vi phạm trật tự xây dựng của gia đình bà Phạm Thị Ngái (người cùng thôn). Hay đối diện nhà bà Ngái sang là Công ty TNHH XD & DV xây dựng Vũ Gia, xây dựng cả mấy trăm m2 trên đất nông nghiệp thành nhà xưởng...

Ông Phạm Đức Lập, thanh tra nhân dân xã Tân Việt 

Từ tố cáo của ông Lập, Phóng viên báo Tài nguyên và môi trường đã có mặt tại thực tế và thấy những tố cáo của ông Lập là có cơ sở. Khu đất nhà bà Ngái vốn dĩ là đất nông nghiệp. Cũng như bao gia đình khác, bà  Ngái đã cho xây dựng 1 căn nhà cấp 4 phía ngoài để sinh sống. Vừa qua, gia đình bà Ngái lại tiếp tục cho xây dựng tiếp khu móng bê tông cốt thép rộng hơn 200 m2 với “hi vọng” lên tầng, ngang nhiên biến nơi này thành đất ở kiên cố. Phá vỡ quy hoạch chung, biến khu đất vườn thành đất “biệt thự” gây bức xúc dư luận.

Khu nhà bà Phạm Thị Ngái đã xây dựng dở thì bị tố cáo

Tiếp tục điều tra mảnh đất của Công ty Vũ Gia, cũng ở phía đối diện nhà bà Ngái sang, cả một khu nhà xưởng kiên cố rộng khoảng 700 m2 được xây dựng ngang nhiên, thách thức. Theo nhiều người dân địa phương sinh sống tại xã Tân Việt cho biết: mảnh đất của Cty Vũ Gia đang xây dựng vốn dĩ là đất thủy lợi của thôn. Phía sau là có dòng mương lớn, tiêu thoát nước cho cả làng cũng như bơm nước mỗi khi vào vụ. Nhưng không hiểu sao, người chủ của công ty Vũ Gia đã ra đây dựng nhà, đổ bê tông “bạt” cả miếng đất lớn, rồi dựng nhà xưởng lên để làm cơ sở sản xuất nhôm kính và các loại kim khí trong đó. Bà con thắc mắc lên UBND xã thì lãnh đạo xã bảo đó là đất dự án. Vậy dự án đó là dự án gì? Tại sao từ đất thủy lợi công ích lại sang đất dự án?

Nhà xưởng của công ty Vũ Gia được xây trên khu đất thủy lợi, ai cho phép biến đất công ích thành của tư nhân, có qua đất giá không ? 

Không chỉ bức xúc trong việc nhà mọc trái phép, kiến cố trên đất nông nghiệp, người dân khu vực chợ Côm lại có bức xúc khác. Ông P.Q.N nhà ở ngay chợ bức xúc cho biết. Trước đây, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư chợ, gia đình cũng cũng dựng 1 ki-ot lên tại khu vực chợ Côm. Sau đó làm đường, chấp hành chủ trương xóa bỏ ki-ot, bàn giao lại cho xã làm đường. Gia đình ông đã nghiêm chỉnh chấp hành tháo dỡ. Chấp nhận không lấy 1 đồng nào tiền đền bù GPMB. Trong lần dỡ này, có 16 hộ nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng duy nhất chỉ có hộ của gia đình ông Bùi Hữu Thành là không tháo dỡ. Bản thân nhà ông Thành cũng như các hộ khác, đều là xây dựng trên đất xã cho mượn trước đây. Nhưng “liều hơn” là ông Thành còn dựng cả ki-ot 2 tầng. Chính vì lẽ đó, gia đình ông này không chịu tháo dỡ, và “chình ình” một căn nhà ngay ngã ba, giao nhau của đường, gây nên sự bất bình của bà con xóm phía trong.

Ki-ot của nhà ông Bùi Hữu Thành vẫn mọc chính ình tại đây. ai cho phép tồn tại trên đất công ích của xã Tân Việt

Bức xúc, ông Nguyễn Văn V, một hàng xóm cho biết: không hiểu sao UBND xã lại cứ để mặc căn ki-ot nhà ông Thành hoạt động. Tự dưng đây thành điểm đen giao thông và nước thải sinh hoạt từ hệ thông nhà ông Thành cứ đêm ngày chảy về cái ao đình phía đằng sau, gây ô nhiễm nồng nặc, khiến cả làng chúng tôi bức xúc, kiện mãi mà UBND xã Tân Việt “bao che”…

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, không chỉ thấy những bức xúc về trật tự xây dựng. Còn nhiều vấn đề khác nổi cộm không kém. Anh Ngô Bá Tuấn (con bà Nguyễn Thị Dương), trú tại thôn Vạn Tuế cho biết: nhà mẹ anh có hơn sào ruộng. thấy xã bảo làm đường ở đội 13, sau miếu Ba Tài. Đường làm xong thì sào ruộng nhà anh bị “xẻo” 1 nửa. Anh lên gặp ông Nguyễn Đức Hậu, cán bộ địa chính, thì anh này lại chỉ sang chủ tịch xã. Hỏi chủ tịch xã, thì ông này lại vòng sang nhà thầu thi công. Đến hỏi nhà thầu thì đơn vị làm đường lại đổ lên xã. Cuối cùng mấy năm nay, mảnh đất nhà anh cũng như 1 số nhà hàng xóm khác đều bị “xẻo” mà không rõ ai sẽ trả tiền đền bù GPMB.

Trụ sở UBND xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, Hải Dương

Rộng đường dư luận, phóng viên đã đến UBND xã Tân Việt để làm rõ vấn đề khuất tất tại đây. Sau khi nghe phóng viên hỏi về một số vấn đề còn tồn tại tại xã. Ông Nguyễn Đức Hậu, cán bộ địa chính kỳ cựu của xã cho biết: những vấn đề đó, phóng viên cứ hỏi lên chủ tịch xã – ông Nguyễn Trọng Long.

Cán bộ địa chính Nguyễn Đức Hậu bị người dân "tố" về hành vi ngâm hồ sơ, nhập nhèm tiền đền bù GPMB....

Sau đó, phóng viên lên phòng làm việc của ông Long để tìm hiểu, nhưng ông Long đã bỏ đi đâu trước đó vài phút. Liên lạc với ông Long, ông này cho biết: về trường hợp của bà Phạm Thị Ngái, xây dựng trên đất nông nghiệp, sau khi có đơn tố cáo thì xã đã cho đình chỉ xây dựng. Còn chỗ đất công ty Vũ Gia thì đây là đất dự án tiểu khu công nghiệp. Nhưng hỏi ai quy hoạch, giao đất như thế nào thì ông Long cũng không giải thích nổi. Còn chỗ ki-ot nhà ông Bùi Hữu Thành tại chợ Côm xây trái phép 2 tầng, xả thải xuống ao đình… thì ông Long cho rằng chỗ đất này là đổi chác từ thời xưa giữa ông Thành và các thời kỳ lãnh đạo xã trước nên phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Thanh Hà. Còn trường hợp đất đai của gia đình ông Ngô Bá Tuấn mất nửa sào ruộng là do….gầu máy xúc to quá, cào nhầm vào ruộng nên mất đi 1 ít. Lúc nào xã sẽ yêu cầu nhà thầu đền bù cho sau… Sau khi trả lời xong, ông Long tắt máy.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Lập, thanh tra nhân dân xã Tân Việt cho biết: từ trước đến giờ, nhân dân xã chưa nghe thấy tiểu khu công nghiệp bao giờ cả. Tại sao đất thủy lợi lại sang tay cho doanh nghiệp? vậy ai bán ? tiền đất ai thu ? Thứ 2, nạn ô nhiễm ao đình đang hàng ngày diễn ra, mọi nước thải sinh hoạt của nhà ông Bùi Hữu Thành cứ dội vào cái ao đình là “lá phổi xanh” của cả làng, thì ai chịu trách nhiệm. Còn việc người dân tố cáo anh Nguyễn Đức Hậu, cán bộ địa chính “ngâm hồ sơ” suốt 2, 3 năm liền vì không có quà cho anh ta, thì sao xã không giải quyết. Về nguyên tắc, hồ sơ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp lên là phải hướng dẫn, phải làm cho dân, chứ không phải “ngâm tôm”, ông Lập thẳng thắn tố cáo…

Đã đến lúc các cấp lãnh đạo của tỉnh Hải Dương cần sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đây, cũng nhự hàng loạt vấn đề mà báo Tài nguyên môi trường phản ánh ở trên để đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh các vấn đề còn tồn tại ở đây.      

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hà – Hải Dương: Dân ồ ạt xây dựng nhà xưởng, nhà kiên cố trên đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO